20 tháng 5, 2012

Tham luận - Thân thế và cuộc đời Nhà ngoại cảm chữa bệnh Nguyễn Đức Cần

Sáng ngày 27 tháng 8 năm 2011, tại Hội trường lớn Bộ Tư lệnh Lăng CT Hồ Chí Minh, Bộ Môn Thông tin dự báo và Bộ môn Cận tâm lý TTNCTNCN đã tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề " Nhà chữa bệnh Nguyễn Đức Cần và những bước đi đầu tiên của khoa học ngoại cảm ở nước ta "
Ông Nguyễn Tài Đức là đồng tác giả cuốn sách:
Nguyễn Đức Cần - Nhà Văn Hóa Tâm Linh, đã tái bản lần thứ 4 (tháng 5/2013)
Đến dự buổi Tọa đàm có nhiều nhà khoa học, những người quan tâm đến lĩnh vực ngoại cảm, tâm linh.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một bài phát biểu của ông Nguyễn Tài Đức, trong buổi tọa đàm



Thân thế và cuộc đời Nhà ngoại cảm chữa bệnh Nguyễn Đức Cần 

Nhà ngoại cảm chữa bệnh Nguyễn Đức Cần ra đời vào đêm 30 Tết Kỷ Dậu 1909 tại làng Đại Yên, Hà Nội và mất ngày 13 tháng 7 năm 1983 ( mùng 4 tháng 6 năm Quý Hợi ).

Truyền thống gia đình và tình yêu đất nước

Nhà ngoại cảm chữa bệnh Nguyễn Đức Cần sinh trưởng trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước nồng nàn . Ông nội của cụ, cụ cố Nguyễn Đức Toàn (tự Phúc Toàn ) là một nhà nho đã tham gia hoạt động trong phong trào Đông kinh nghĩa thục , sau khi thực dân Pháp đàn áp và đóng cửa trường tháng 12 năm 1907, cụ Toàn đã lên Yên Thế tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp do lãnh tụ Hoàng Hoa Thám lãnh đạo và khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế bị thất bại năm 1913, cụ Nguyễn Đức Toàn đã anh dũng hy sinh .
Ông thân sinh của cụ Nguyễn Đức Cần, là cụ Nguyễn Đức Nhuận cũng bị giặc Pháp giết hại ngày 17 tháng 12 năm 1946 trong vụ phố Hàng Bún, Hà Nội, mở đầu cho cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược . Bản thân cụ Nguyễn Đức Cần cũng là một chiến sỹ cách mạng . Trong cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 tại Hà Nội, cụ là đại đội trưởng đại đội Lam Sơn và cụ là một trong những người đầu tiên vượt qua hàng rào vào chiếm Bắc bộ phủ trong ngày cách mạng 19 tháng 8 năm 1945 . Sau đó, từ những ngày cuối năm 1946,trong cuộc chiến đấu suốt 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, cụ Nguyễn Đức Cần đã ở lại trong thành và đã cùng những chiến sỹ Quyết tử của thủ đô , chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược bảo vệ Hà Nội . Đêm 17 tháng 2 năm 1947, cụ đã cùng đồng đội vượt qua sông Hồng trở về chiến khu Việt Bắc để thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc .

Ngay từ khi còn trẻ tuổi cụ Nguyễn Đức Cần đã có duyên may gặp được một vị Thầy tâm linh , cụ đã theo Thầy đi rất nhiều nơi trong các miền núi cao rừng thẳm, mà một trong những nơi đó là đỉnh Mẫu trong dãy núi Ba Vì “ nơi linh khí thiêng liêng của nước Việt ’’ .

Cụ đã được vị Thầy của mình truyền dạy cách thu nhận linh khí của trời đất ( trường năng lượng của vũ trụ ) . Qua những tháng năm tu đạo vô cùng gian khổ và trải qua bao quãng đường đời lao động vất vả, nếm bao vị đắng cay thử thách , cụ Nguyễn Đức Cần đã đạt được một tri giác cao cấp, nghe nhìn thấy các cõi giới . Trong khi đang tham gia cách mạng , Cụ Nguyễn Đức Cần đã nhận thấy rằng : Nước nhà tuy đã giành được độc lập, nhưng người dân còn chưa được hạnh phúc, muốn có hạnh phúc, trước hết phải có sức khỏe, không ốm đau . Có sức khỏe là có tất cả, có sức khỏe mới bảo vệ và xây dựng được Tổ quốc , mới có hạnh phúc gia đình . Cụ nói : Ta đi tìm con đường khác, con đường mang lại sức khỏe cho nhân dân và trong những tháng ngày tại vùng chiến khu Việt Bắc , cụ đã có cơ duyên may mắn gặp được một Vị Thầy tâm linh nữa , và Thầy đã truyền cho cụ những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc để về giúp dân .

Chữa bệnh bằng phương pháp ngoại cảm

Cụ Nguyễn Đức Cần là Nhà ngoại cảm chữa bệnh đầu tiên của nước ta được Ủy ban Khoa học Nhà nước, tiến hành nghiên cứu khoa học từ năm 1974. Cụ Nguyễn Đức Cần có thể chữa bệnh cho người khác không cần dùng thuốc và không động chạm vào cơ thể họ . Người bệnh trực tiếp đến gặp cụ,trình bày bệnh tật của mình, nếu cụ nhận lời hoặc cụ cho một mảnh giấy có chữ ký của cụ, bệnh có thể khỏi mà không cần dùng thuốc. Có trường hợp người bệnh nằm ở nhà hay đang điều trị tại bệnh viện, người nhà bệnh nhân đến gặp cụ xin chữa , nếu cụ nhận lời, bệnh nhân cũng có thể khỏi . Cụ chữa bệnh mà không lấy tiền của bệnh nhân . Cụ có thể chữa bệnh từ xa hàng trăm Km .

Có 3 phương pháp chữa bệnh mà cụ thường sử dụng :
1- Lời nói
2- Tờ Đạo
3- Điều khiển bằng tay

Cụ Nguyễn Đức Cần đã dùng kết hợp cả 3 phương pháp trên một cách tài tình và đạt được nhiều kết quả trong việc cứu đời, trị bệnh .

Trong hơn 70 năm sống trong cõi đời , cụ Nguyễn Đức Cần đã chữa bệnh cho hàng vạn bệnh nhân.Thời gian cao điểm thứ nhất là vào quãng từ năm 1950 đến 1954 và thời kỳ thứ hai từ năm 1970 đến 1974 . Chỉ tính trong những tháng đầu năm 1974, đã có hàng ngàn người bệnh đến Đại Yên xin cụ chữa bệnh. Bệnh nhân đến, có những người ở những nơi xa xôi như đảo Cát Bà, có những người từ vùng rừng núi Việt Bắc, có những người cơm đùm cơm nắm , chỉ mong được gặp cụ . Có ngày cao điểm cụ tiếp khoảng hơn 200 người bệnh , có nhiều người chưa đến lượt, đêm phải ngủ ở ngoài đường làng, ngõ xóm Đại Yên. Số lượng thư cảm ơn và xin cụ chữa bệnh có thể lên đến hàng chục ngàn lá thư . Hàng năm cụ lại cho đốt đi hàng ngàn lá thư như vậy .(Thật là đáng tiếc ). Hiện nay, tại nhà cụ chỉ còn lưu giữ được hơn 1000 bức thư của bệnh nhân, trong đó có nhiều bức thư có dán ảnh để làm chứng .Chúng tôi xin liệt kê một số bệnh mà cụ đã chữa cho nhân dân, theo vần A, B, C …( không theo chuyên môn của ngành y tế )

- Áp huyết cao
- Bazedo
- Dạ dày
- Đại tràng, Đau cột sống, Đau đầu, Động kinh, Đường Ruột, Đẻ ngược
- Gai cột sống , Gan ( ung thư gan, sơ gan cổ chướng )
- Hậu bối, Hạch cổ, Hen
- Lao hạch, Lao phổi, Liệt dây thần kinh, Liệt tay, Liệt chân
- Máu trắng , Mắt mờ, Mất ngủ
- Nôn ra máu
- Suy tủy
- Tâm thần,Thấp khớp ,Thận ( suy thận, phù thận ),Tim ( hở van tim, tim loạn nhịp ), Tóc kết
- Ung thư vú, Ung thư họng, Uốn ván
- Vẩy nến,Viêm não, Viêm mũi, Viêm Tiết niệu, Viêm Xoang….

Có nhiều trường hợp bệnh nặng , bệnh nhân chết lâm sàng nhờ cụ cứu giúp, bệnh nhân đã khỏi bệnh ( Ông Nguyễn Quang Chiểu-Giám đốc nhà máy cơ khí nông nghiệp, Ông Nguyễn Hữu Thái-Trung đoàn phó Trung đoàn 151, QK3 …). Đặc biệt bệnh Tâm thần là một loại bệnh nan giải đối với y học hiện đại , cụ đã chữa khỏi nhiều ca bệnh nặng, lâu năm ( Ông Trương Văn Ngô, Chị Ngô Bích Hạnh, Chị Phó Thị Ngà,Chị Ngọc Lan,Chị Lưu Thị Chung,Ông Đào Quang Vĩnh, Chị Vũ Thị Chò, Chị Nguyễn Thị Chám…) Không những thế cụ còn giải trừ mê tín , đồng bóng , thờ cúng linh tinh . Cụ nói :Làm người phải ăn ở có đức thì mới được tốt đẹp, sinh sống hàng ngày phải lao động cần cù, phong tục tập quán thì nước nào cũng có, còn mê tín dị đoan thì nên bỏ.

Cuộc đời đạo đức của cụ Nguyễn Đức Cần

Cụ Nguyễn Đức Cần kể lại : Khi học đạo, vị Thầy dạy muốn thành đạo cứu đời, phải chịu ba điều : nhất bần, nhị yểu, tam vô tự . Nhất bần, là phải chịu cảnh nghèo khó , phải rèn luyện , phải chịu khổ, có khổ cực thì mới biết thương đến người dân nghèo . Nhị yểu là gì ? Yểu là đoản mệnh, chết non, chết bất đắc kỳ tử. Đó là một việc kinh hãi trong tu đạo . Vì phàm làm người ai cũng cầu sống lâu. Nhưng Tạo hóa chẳng cho ai không điều gì . Muốn giúp người bệnh khỏi đau đớn, thì người giúp phải gánh thay những đau đớn đó . Trong quá trình tu đạo để cứu người, cụ Nguyễn Đức Cần đã phải trải qua biết bao đau đớn của những căn bệnh, để tìm ra căn nguyên của bệnh , và từ đó có phương pháp trị bệnh. Đó là một việc vô cùng nguy hiểm , có thể đánh đổi cả mạng sống của mình .Tam vô tự là gì ? Vô tự là trong gia đình không có người kế tự, hương khói . Đó cũng là một việc vô cùng đau đớn . Người ta nói tu là việc để phúc cho con cháu.Nhưng muốn cứu đời là phải xả thân, phải hy sinh bản thân và gia đình . Cái Phúc ở đây là Phúc lớn của nhân dân, của mọi người, chứ không phải cái phúc của riêng gia đình mình .

Đau đớn thay những gì mà cụ đã xả thân hy sinh để cứu đời và thật lớn lao thay cụ là tấm gương sáng chói trong cõi đời này !. Cụ Nguyễn Đức Cần đã thực hiện một nguyên tắc sống cao đẹp : Cần , kiệm, liêm, chính, chí công vô tư .Suốt cuộc đời của cụ là cả một quá trình lao động cần mẫn, chịu đựng bao khó khăn gian khổ “ mồ hôi ướt đẫm tấm áo nâu sờn ”, từ lúc còn trai trẻ cho đến khi mái đầu đã điểm bạc , cụ đã đi rất nhiều nơi trên đất nước, làm nhiều công việc khác nhau , nếm trải bao cay đắng thử thách. Chính vì vậy cụ đã cảm thông sâu sắc với những nỗi khổ đau của quần chúng lao động , thiếu cơm ăn áo mặc, ốm đau bệnh tật không thuốc thang .

Cụ đã khổ luyện để có được một Quyền năng siêu phàm để chữa bệnh giúp đỡ nhân dân.Trước năng lực diệu kỳ của cụ, nhiều người đã suy tôn cụ lên ngôi thần , thánh , nhưng cụ nói rằng: Tôi chỉ là người , cũng ăn uống sống chết như mọi người khác .Cụ nói : Nuôi tôi dễ quá, dạ dày tôi chỉ bé bằng quả quýt thì ăn gì cho nhiều . Bữa cơm thường ngày của cụ, chỉ có một lưng cơm, mấy quả cà và đôi ba chén rượu. Cụ bảo rằng : Thế là đủ rồi , dân còn khổ, mình sống sung sướng sao đang . Cụ nói : Bệnh nhân của tôi ở khắp các tỉnh, nếu mỗi người chỉ cần cho tôi một nắm gạo là tôi cũng đủ thừa ăn . Nhưng cụ không cần sự “bố thí ’’ của người đời. Còn sức khỏe là cụ còn lao động, lao động ngoài ruộng vườn của Hợp tác, về nhà cụ trồng chuối ở vườn nhà . Trong nhà cụ, mọi thứ đồ vật không thấy có thứ gì đắt tiền, cũng giống như cuộc sống giản dị của cụ . “ Mỗi ngày cụ chữa cho hàng trăm người bệnh, nếu giống như ông thầy thuốc khác thì cụ đã giàu to, nhưng cụ không lấy tiền mà vẫn ân cần niềm nở ” một người bệnh đã viết thư nói như vậy. Cụ nói rằng : Người tu phải thực hiện ba điều là không tham, vì mọi người và không thù ghét ai .Người muốn tu phải chịu khổ, ngay cả ăn mặc cũng phải tằn tiện, đừng cậy mình có của mà hoang phí thì không tu được . “ Cụ đã giúp cho bao gia đình được hạnh phúc, chăm lo cuộc sống của nhân dân hơn cả cuộc sống của mình.Cụ sống thật giản dị, mặc bộ quần áo nâu, đi đôi guốc mộc, chẳng khác gì một ông già nông dân ”.Một bệnh nhân khác viết . Cụ Nguyễn Đức Cần nói rằng : “Người Việt Nam chỉ có một đạo là Tổ quốc Việt Nam và gia đình là chốn thiêng liêng nhất . Tại sao lại phải bỏ gia đình, tu thì tu ngay tại nhà ’’.

Một người bị bệnh hiểm nghèo được cụ chữa khỏi đã viết : Cụ là cha, là mẹ đã cứu con qua cơn bệnh hiểm nghèo, dù có tiền đầy rừng, có bạc đầy biển cũng không bằng lòng thương người vô hạn của cụ . Cụ thường nói với bệnh nhân : Đời người phải có thủy, có chung, có hiếu có nghĩa. Phải biết cái xấu , cái đẹp . Khi chữa bệnh ,cũng là lúc cụ khuyên răn người bệnh sửa chữa những thiếu sót của bản thân với gia đình và xã hội, để sống tốt đẹp hơn. Cụ đã cảm hóa bao con người trở nên tốt đẹp bằng chính cuộc sống hàng ngày của cụ .Do vậy, những ai mỗi khi được gần cụ cũng cảm thấy tâm hồn mình thư thái , nhẹ nhàng như được cở mở khỏi những khúc mắc , lo toan của cuộc sống hàng ngày và thấy lòng mình hướng về cái thiện .

Ngày 13 tháng 7 năm 1983 ( tức ngày mùng 4 tháng 6 năm Quý Hợi) cụ Nguyễn Đức Cần đã từ biệt con cháu, họ hàng yêu quý, từ biệt những bệnh đáng thương, từ biệt tất cả mọi người để trở về cõi trường sinh . Từ ngày đó đến nay đã 28 năm trôi qua, nơi cụ an nghỉ tại Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội đã trở thành một khuôn viên với những hàng cau tươi tốt, giữa cánh đồng quê thanh bình và có rất nhiều người từ khắp mọi miền trong đất nước đã về đây thắp hương tưởng niệm và tri ân cụ - Người suốt đời đã vì nước, vì dân phục vụ .

Cuối cùng tôi xin gửi tới Quý vị đại biểu và gia đình lời chúc sức khỏe và hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn !
Hà nội ngày 27 tháng 8 năm 2011
Nguyễn Tài Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét