9 tháng 3, 2009

Giữ lấy chữ Đức

Nhà cụ khi xưa, số 86 làng Đại Yên, Hà Nội
Hôm nay , một ngày đầu xuân năm Kỷ Mão 1999, chúng tôi những người làm tư liệu về Cụ, đến làng Đại Yên thăm và hỏi chuyện một người cháu của Cụ Nguyễn Đức Cần.

- Xin chào anh, xin anh cho biết quý danh ?
- Tôi là Nguyễn Đức Phú , sinh năm Tân Mão 1951.

- Thưa anh, xin anh cho biết quan hệ của anh với cụ Nguyễn Đức Cần là như thế nào ?
- Ông cụ Cần là bác họ tôi. Cụ thân sinh ra ông cụ Cần và ông nội tôi là hai anh em ruột.



- Thưa anh , anh có biết gì về cụ Tổng Nhuận?
- Cụ Tổng Nhuận là bố đẻ của ông cụ Cần và là anh ruột của ông nội tôi. Xưa Cụ làm cai thầu, rồi sau cụ ra làm phó tổng của Thập tam trại của Tổng nội. Cụ Tổng có mở các xưởng củi, xưởng thủy tinh và bố tôi từ bé đã được cụ đưa đi phụ việc, giúp đỡ cụ trong việc buôn bán kinh doanh.

- Thưa anh, anh có biết cụ Cần đi học đạo từ lúc nào ?
- Có lẽ ông cụ đi học đạo từ lúc còn ít tuổi.Tôi được nghe bố tôi kể lại rằng : Khi cụ Tổng Nhuận xây cái nhà thứ hai tại Đại Yên ( chỗ tập thể xưởng phim bây giờ) thì tự nhiên sau đó cụ Tổng bị mắc bệnh, ở trong bụng cụ có một cái gì đó to như quả trứng gà.Lúc đó bố tôi còn bé vào thăm cụ, thì cụ có cho sờ vào, bố tôi bảo thấy nó như một quả trứng ấy. Khi uống thuốc vào thì nó chạy.Cụ Tổng phải nằm một chỗ, không đi lại được. Thuốc tây, thuốc ta đều không khỏi.Gia đình lấy làm lo lắng.Khi đó cụ Tổng bà ( mẹ ông cụ Cần) có đi mời một ông thầy về. Không biết có cúng lễ như thế nào đó, nhưng sau khi ông thầy đó đến chữa thì cụ Tổng ông khỏi bệnh.

Sau đó thì cụ Tổng bà có gửi con trai cho đi theo ông thầy đó lên Sơn Tây để học, vì thấy ông thầy đó giỏi quá, vừa là để trả ơn thầy, vừa là để cho con theo học thầy.Nghe nói Ông Cụ Cần còn đi rất nhiều nơi ở các miền rẻo cao, rồi sau đó mới về làng Đại Yên chữa bệnh cho mọi người.

- Thưa anh, anh có xin ông cụ Cần chữa bệnh lần nào không ?
- Tôi xin nói thật với anh như thế này. Tôi là con cháu trong nhà, cũng được nghe người ta nói là ông cụ chữa bệnh rất giỏi. Nhưng lúc đó mình còn trẻ nên bán tín bán nghi, mà mình thì chẳng có bệnh gì cả. Hồi đó tôi đang đi làm cơ quan nhà nước, tự nhiên tôi bị sưng một cái hạch rất to như quả trứng ở bẹn, tôi có đi khám ở bệnh viện Đống Đa, người ta gửi tôi đến bệnh viện Việt –Đức, nhưng ở đấy người ta không biết là bệnh gì, nghi là thoát vị bẹn. Bệnh viện họ hẹn tôi ba ngày nữa ra khám lại để mổ, vì lúc đó nó đã sưng to lắm.Tôi có về trên nhà trên Đại Yên, tôi nói chuyện với mẹ tôi về bệnh tật và nói bệnh viện bảo phải mổ. Mẹ tôi mới bảo là: ”Chúng mày buồn cười nhỉ, nhà có ông bác chữa bệnh như thế, ông còn chữa cho bao nhiêu người thiên hạ mà chúng mày là con cháu lại không đến xin ông chữa cho “.

Mẹ tôi đưa tôi lên gặp bác (Cụ Cần). Khi đến tôi có trình bày là cháu tự nhiên bị sưng hạch như thế, rồi mẹ tôi cũng nói xin ông chữa cho. Ông cụ không xem, cũng không hỏi gì cả. Ông chỉ nói : “Thôi cứ về đi, mai kia nó khỏi”.Lúc sau, cụ nghĩ thế nào ,cụ cho tôi một tờ giấy có chữ của cụ.

Tôi về nhà, tôi cũng chẳng để ‎ ý. Đến ngày thứ ba thì tôi mới sực nhớ là bệnh viện người ta hẹn đến khám lại để mổ. Tôi mới đi tắm rửa, thì tôi thấy cái hạch sưng to đó đã hết. Tôi mừng quá, tôi vội đạp xe lên nhà để báo cho mẹ tôi biết (lúc đó tôi đã có gia đình riêng , không ở trong làng). Mẹ tôi bảo : “ Thôi khỏi là tốt rồi , bây giờ vào báo để ông biết “.Ngày đó còn bao cấp, mọi thứ đều thiếu thốn và phải có tem phiếu, tôi có tiêu chuẩn mua được một cân đường, mẹ tôi thêm mấy quả chanh .Mẹ tôi đưa tôi vào nói với ông là cháu nó khỏi rồi ông ạ. Ông cụ bảo : “ Ừ , thế thì tốt lắm”. Tôi nói: “ Con chẳng có gì biếu ông, chỉ có cân đường với mấy quả chanh để bác uống nước ngày hè .”

Ông cụ bảo tôi : “Bác thì bác nhận rồi, bác cho con mang về cho các cháu.”

- Thưa anh, trước khi đến, anh có tin là cụ sẽ chữa khỏi hay không?
- Trước khi đến xin ông cụ chữa thì tôi cũng không tin lắm, vì tôi thấy từ trước đến nay chưa thấy ai chữa bệnh mà lại không dùng đến thuốc cả. Ngay cả bệnh viện họ cũng không chuẩn đoán được là tôi bị bệnh gì, tại sao nó lại sưng như vậy. Thế mà khi đến ông bác tôi chỉ bảo cứ về đi rồi nó khỏi và từ đó đến nay không thấy bị tái phát nữa.

- Thưa anh, anh thấy tình cảm của Cụ với họ tộc, với dân làng như thế nào?
- Chúng tôi thỉnh thoảng có đến chỗ bác tôi chơi. Bác tôi rất là quí mến, có khi ông cụ bảo các cháu đến giúp bác thau cái bể nước mưa chẳng hạn, vì lúc đó làng chúng tôi chưa có nước máy, hàng năm phải thay bể. Sau khi làm xong thì ông bảo ở lại ăn cơm với ông, mâm cơm thì cũng chẳng có thịt cá gì nhiều, nhưng tôi thấy đông vui đầm ấm , rất bình dị .Còn trong làng cũng nhiều người biết ơn ông Cụ đã chữa bệnh cho họ.

- Thưa anh vào mùa hè năm Qúy Hợi 1983 thì ông cụ mất. Vậy trước đó, Cụ có nói gì không với gia đình?
- Sau khi ông cụ mất được ít ngày, thì có một người bác họ là cụ Hoàng Văn Viên đến nhà tôi chơi và nói chuyện với bố tôi.Theo lời kể lại của cụ Viên thì tháng trước đó ( tháng 5 năm Quí Hợi 1983) Cụ Viên có đến chơi nhà Cụ Cần. Ông Cụ Cần có nói rằng : “ Chú ạ, nếu đến 6 giờ tối ngày thứ tư tháng tới ( mồng 4 tháng 6 năm Qúy Hợi ) mà anh qua khỏi thì anh sống thêm được 12 năm nữa. Nếu đúng giờ ấy, ngày ấy mà anh không qua được thì đi thôi”.

Ông Cụ Viên nói với bố tôi rằng : “ Chưa thấy ai giỏi như Ông Cụ Cần, vì ai cũng biết sinh thì có hạn mà tử thì bất kỳ. Nhưng rõ ràng ông Cụ Cần biết được cả cái giờ, cái ngày ông ấy chết.

- Thưa anh , anh cảm nhận như thế nào về đám tang ông Cụ ?
- Nói chung là đám tang ông cụ rất to. Chúng tôi là con cháu tất nhiên là chúng tôi có đến dự.Tôi nhớ khi xưa khi chưa có sự ngăn cấm Ông Cụ chữa bệnh, thì những người bệnh đến rất đông. Người ta đến xếp hàng từ sáng sớm. Lúc đó làng tôi còn lát gạch,hai bên là cống rãnh còn bẩn, thế mà nhiều người đến đây người ta giải chiếu nằm la liệt để chờ ở bên ngoài để mong được gặp Cụ sớm, để xin chữa bệnh.Vậy nên khi ông cụ mất, bệnh nhân người ta đến rất đông.Tất cả những người bệnh đều chít khăn tang trắng để tang ông cụ. Bởi vì người ta rất biết ơn ông cụ. Có những người coi ông cụ là người sinh ra người ta lần thứ hai. Bởi vì đau ốm, bệnh tật người ta đã tưởng rằng sẽ bị chết rồi, mà lại được cụ cứu sống, được khỏe mạnh, lại không mất tiền, thì người ta rất biết ơn ông cụ.

- Thưa anh, anh có kỷ niệm nào mà anh nhớ nhất về Cụ ?
- Tôi nhớ xưa, mỗi khi vào dịp 30 tết, bác tôi làm bữa cơm tất niên. Bác có nói với bố tôi là cho tất cả chúng tôi anh em, con cháu đến đây ăm cơm với bác.Không khí thật chan hòa đầm ấm, có lần tôi hỏi : “Bác ơi, năm nay thì cháu thế nào ?”.

Bác tôi bảo : “Các con, nhà mình là họ Nguyễn Đức, thì mình cứ giữ cái chữ Đức, thì không có sức mà ăn’’. Bác tôi chỉ khuyên chúng tôi như thế mà thôi.

- Thưa anh, Cụ là một người hiếm có trong lịch sử chữa bệnh và phương pháp chữa bệnh của cụ thật là thần diệu. Cuộc đời đạo đức của Cụ thật là cao đẹp.

Làng Đại Yên – Hà Nội và dòng họ Nguyễn Đức ở thế kỷ 20 này thật vinh hạnh là đã có một con người đặc biệt như cụ.Cũng như anh vừa nói về lời khuyên của cụ với con cháu trong dòng họ - Hãy giữ lấy chữ Đức. Đó cũng là một lời khuyên cho tất cả mọi người chúng ta.

Xin cảm ơn anh đã tiếp chuyện hôm nay.

Người thực hiện
Nguyễn Tài Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét