11 tháng 1, 2009

GS. Nguyễn Hoàng Phương - Nhà khoa học uyên thâm, một trái tim nhân hậu

GS. Nguyễn Hoàng Phương từ giã chúng ta để đi vào cõi vĩnh hằng (24/3/2004), nhưng để hiểu và đánh giá đúng về ông, về những công trình của ông, chắc chắn còn đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều nghiên cứu kiểm nghiệm.

GS. Nguyễn Hoàng Phương sinh năm 1927. Ông từng là chiến sĩ biệt động hoạt động ở thành phố Huế. Năm 1949, được cử đi đào tạo khoa học cơ bản và sau đó tiếp tục ở lại giảng dạy ở Khu học xá (Nam Ninh, Trung Quốc). Khi tiếp quản Thủ đô, ông về dạy ở Trường Đại học Sư phạm, và vào tháng 9.1956, khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQGHN) được thành lập, ông đã có mặt ngay từ những ngày đầu tiên với tư cách người thầy. Lúc đầu, ông được cử làm Tổ trưởng Bộ môn Vật lý của Khoa Tự nhiên và trực tiếp giảng dạy các môn Toán cao cấp và Vật lý. Sau khi Khoa Tự nhiên tách thành các khoa Toán, Lý, Hóa..., ông được cử làm Chủ nhiệm Khoa Vật lý.

Bên cạnh các tên tuổi bậc thầy về vật lý như GS. Ngụy Như Kontum, ông được coi là con chim đầu đàn của ngành Vật lý Việt Nam, là thầy của hầu hết những nhà vật lý tiếng tăm. Một người thầy hào hoa, uyên bác, đầy nhiệt huyết và rất yêu thương sinh viên. Ông còn là một nhà giáo có tài năng sư phạm lỗi lạc của nước ta. Những vấn đề toán học khô khan, những lĩnh vực lắt léo của Vật lý lý thuyết, qua những lời giảng giải khúc triết của ông, chúng trở nên sống động, dễ hiểu và vô cùng dễ nhớ. Chỉ riêng những vấn đề ông đã viết ra, in rồi hoặc chưa in, với mỗi quyển trên dưới một ngàn trang, cũng đáng để cho người đời, nhất là những người đã từng biết những khó khăn khi cầm bút, phải nghiêng mình thán phục.

Sự ham hiểu biết và thú say mê làm việc là những tố chất ưu việt đã được ông gìn giữ cho đến những "giây phút cuối cùng của cuộc đời", theo đúng nghĩa đen của cụm từ này. Trong những năm ở số 16, Hàng Chuối, không mấy ai trong ngành toán lý chúng ta chưa được nhìn thấy ông suốt ngày miệt mài bên chiếc máy chữ cũ kỹ đặt bên cửa sổ. Những quyển sách ông đã đọc qua, không mấy trang không có bút tích của ông để lại. Ông chăm chú lắng nghe những xêmina về Toán - Lý cho dù người trình bày chỉ vào loại học trò nhỏ bé của mình. Mọi thông tin khi lọt vào đầu ông, chúng đều được xử lý, sắp xếp theo cách tư duy của ông, cho nên, mọi điều ông viết ra, dù là những điều ai ai cũng biết, nhưng chúng đều có những sắc thái rất riêng chỉ mình ông mới có.

Ngày 22.3, một ngày trước khi đi xa, ông còn nhờ một người học trò cũ của mình photo quyển "Lý thuyết phạm trù" của B. Michell để ông nghiền ngẫm. Ông muốn tìm trong lĩnh vực trừu tượng nhất của toán học những phương cách để ông có thể diễn đạt được các đặc tính tinh tế nhất của thế giới vật chất. Ngày hôm sau, chỉ mấy giờ trước lúc ra đi, khi nhận được chương đầu tiên, ông còn phàn nàn sao không photo ngay cho ông cả quyển.

Hình ảnh ông với mái tóc dài bạc trắng, với đôi mắt thông minh, với nét mặt đôn hậu hóm hỉnh, với dáng đi nhanh nhẹn không hề mang dấu vết của tuổi tác, với cách bỡn cợt với bệnh tật của chính mình... vẫn còn in đậm trong tâm trí của bạn bè, học trò và cả những người chỉ biết ông qua một lần được nghe ông nói chuyện.

Ông là một trong số ít người đoán trước được vận mệnh của riêng mình. Ông nói ra điều đó một cách rất hồn nhiên, ông hoạch định từng chi tiết cho lễ tang của mình. Việc ra đi được ông hiểu đơn giản như việc tìm về nhà sau một cuộc viễn du mệt mỏi.

 Những nghiên cứu khoa học của ông có thể tạm phân làm ba lĩnh vực: Toán - Lý, Trường sinh họcTâm linh.

Năm 1959, trong khi nền giáo dục đại học của chúng ta mới chập chững những bước đầu tiên, cơ sở vật chất, sách vở còn rất thiếu thốn, với cương vị coi sóc Khoa Vật lý, ông đã nỗ lực hết mình, vừa tạo điều kiện để học trò học thật tốt, vừa tự mình mày mò nghiên cứu khoa học để làm gương cho thế hệ đàn em. Ông đã lập nên nhóm nghiên cứu Vật lý lý thuyết, gồm những người tâm huyết từ các cơ sở nghiên cứu khác nhau nhưng có chung một niềm đam mê Vật lý. Nhóm này hoạt động khá đều đặn và có hiệu quả. Các thành viên trong nhóm, nhiều người đã thành danh, là những phó giáo sư, giáo sư, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, viện sĩ, những trụ cột vững chắc cho các tổ chức vật lý của đất nước chúng ta.

Cũng trong thời kỳ này, ông đã có phát kiến trong lĩnh vực nghiên cứu vật lý cơ bản. Ông đề xuất một mô hình, trong đó không thời gian vật lý được mở rộng từ 4 thành 6 chiều và nhờ các chiều phụ, ông đã có những kiến giải rất có sức thuyết phục về đặc trưng nội tại của các hạt cơ bản. Phát kiến này đã giúp ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Luận án: "Vật chất trong không gian sáu chiều" được ông viết một mình, và là luận án tiến sĩ đầu tiên về Vật lý của nước Việt Nam mới. Luận án này được ông bảo vệ thành công ở Liên Xô.

Ngoài giảng dạy và lãnh đạo Khoa, ông còn dành nhiều thời gian để viết sách và đã có rất nhiều sách chuyên khảo có giá trị. Quyển "Lý thuyết nhóm và ứng dụng vào Vật lý học Lượng tử", in khổ rộng với hơn 500 trang, hiện vẫn là quyển chuyên khảo đầy đủ duy nhất về lĩnh vực này ở Việt Nam. Quyển "Nhập môn Cơ học lượng tử - cơ sở và phương pháp (Tích hợp Toán - Lý - Hóa)", với gần 800 trang in khổ lớn, cũng là một quyển sách tham khảo rất có giá trị cho sinh viên các trường đại học. Ông cũng có quyển sách viết bằng ngôn ngữ phổ thông về A. Einstein, một quyển sách rất truyền cảm được độc giả đủ mọi lứa tuổi đánh giá cao và được tái bản nhiều lần, ngay cả sau khi ông đã mất.

Một lĩnh vực rất mới mẻ, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, đó là lĩnh vực Trường sinh học, cũng được ông dành cho nhiều tâm huyết. Đây là lĩnh vực rất kỳ bí, còn xa lạ với các công cụ khoa học Toán - Lý đương thời. Hiện nay, khoa học vẫn đang kiên nhẫn xem xét và chỉ có trong tương lai xa mới hy vọng có lời phán quyết đúng đắn.

Vào những năm khó khăn của thời bao cấp, khi người bạn đời thân thiết, hiểu ông, yêu ông và tận tụy vì ông đột ngột qua đời, ông rơi vào trạng thái hẫng hụt. Các cố gắng bấu víu vào cuộc đời thường đều không mang lại cho ông sự yên lành cần thiết về cả tinh thần lẫn vật chất. Bạn bè, đồng nghiệp đã khuyên ông đi chuyên gia châu Phi, bởi vì, lúc bấy giờ, đây là giải pháp duy nhất phù hợp với khả năng hiểu biết cuộc sống đời thường của ông. Ông đã nghe, đã làm đủ mọi thủ tục cần thiết và chỉ chờ ngày xuất phát. Nhưng tiếc thay, đến phút cuối ông đột ngột thay đổi quyết định. Lý do duy nhất kéo giữ ông ở lại, đó là, muốn dùng khả năng ngoại cảm của một số người để tìm tòi tài nguyên cho đất nước.

Đây là những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời ông. Khó khăn đó không chỉ vì vật chất thiếu thốn, mà ở ngay cả lĩnh vực tinh thần. Như đã nói ở trên, tiềm năng ngoại cảm của con người luôn là một lĩnh vực bí hiểm và rất dễ lợi dụng. Sự thơ ngây của ông trong cuộc sống đời thường đã mang lại cho ông không ít những hệ lụy. Đánh giá đúng về những đóng góp của ông trong lĩnh vực này còn cần có thời gian. Nhưng một người bạn cũ tâm huyết của ông đã nhận xét, nếu trong tương lai, tiềm năng ngoại cảm con người được chứng minh là đúng đắn, vị trí của ông trong lĩnh vực này sẽ rất lớn.

Nếu lĩnh vực Trường sinh học tuy kỳ lạ nhưng phần nào còn có thể nhận thức được, thì lĩnh vực tâm linh, lĩnh vực mà ông say mê cho đến cuối đời, vẫn còn là bí ẩn và khó hiểu hơn nhiều. Là một người am tường đại số, ông luôn mong muốn tìm ra những quy luật chung nhất không chỉ của thế giới tự nhiên mà còn của thế giới tâm linh, tức là thế giới ý thức của con người.

Một trong những di sản vĩ đại của người xưa trong lĩnh vực này là "Kinh dịch". Ông đã nhìn thấy trong "Kinh dịch" quy luật chi phối xã hội và chi phối tự nhiên, thậm chí cả quy luật sản sinh ra các chủng loại người trên hành tinh của chúng ta. Khác với những người học dịch trước đây, thường chỉ dựa vào những phán xét của người xưa để luận bàn và thêm thắt, ông đọc dịch trên cơ sở liên hệ nó với quy luật của đại số học, và do đó, ông đã làm một việc chưa từng ai dám làm trừ đức Khổng Tử, đó là sắp xếp lại "Kinh dịch". Với việc tìm cỗ máy thiên cơ trong "Kinh dịch", tức là tìm ra quy luật sắp xếp thích hợp cho từng thời kỳ của 64 quẻ, ông đã chỉ ra cách dự báo có tính xác thực hơn.

Ông khẳng định rằng: "Bài toán giải mã số thứ tự các quẻ (tự quái) là một trong những bài toán hóc búa nhất, hiểm trở nhất của Dịch lý trên cả toàn cầu và toàn lịch sử loài người, mãi cho đến nay mới bắt đầu thực hiện rõ ràng, cụ thể được. Những giải mã này cho phép khôi phục lại vị trí học thuyết siêu thống nhất phổ quát nhất về nhân văn học, và hơn nữa vị trí giao lưu văn minh vũ trụ, hội nhập vũ trụ nay mai". Ông ghi chép những kết quả của mình trong một số cuốn sách: "Những cơ sở của Triết học phương Đông và Tập mờ, Đông và Tây", in bằng tiếng Anh, khổ lớn, dày 200 trang (Oriental Philosophy Fundamentals and Fuzzy Set, East and West) và cuốn "Tích hợp đa văn hóa Đông - Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai" in khổ lớn dày tới gần 1.200 trang, với các thuật ngữ vừa cổ kính vừa huyền bí mà còn lâu mới có thể hiểu và đánh giá chính xác đúng sai. Những suy tư của ông trong những năm cuối đời được ông ghi chép thành 5 tập còn đang chờ để được xuất bản.

Với 77 năm trong "khí hồng trần", những điều ông thu được trong các lĩnh vực thuộc khoa học tự nhiên và xã hội là rất đáng khâm phục. Nó chứng tỏ ông có bộ óc siêu việt mà trình độ khoa học đương đại chưa thể có phán quyết đúng sai có tính thuyết phục.

Ngoài đời ông là một người lãng mạn, chơi ghi ta rất cừ, rất thích đàm đạo, thương người và sống rất có tình. Trong con người khoa học của ông là một trái tim nhân hậu.

Là một kẻ hậu sinh, tuy cùng nghề, nhưng tôi chưa bao giờ dám đánh giá đúng - sai những điều ông đã viết. Mấy dòng này xin được xem là những nén tâm hương kính dâng lên hương hồn ông, nhân ngày giỗ thứ hai của ông./.

Phạm Thúc Tuyền
[100 Years-VietNam National University, HaNoi]

Nguồn: Trang web kỷ niệm 100 năm của ĐH Quốc Gia Hà Nội

***************************************



***************************************

Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương và nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải là những nhà khoa học nghiên cứu phương pháp chữa bệnh của cụ Nguyễn Đức Cần từ năm 1974.

Trong buổi quay phim và ghi âm cụ Nguyễn Đức Cần chữa hai bệnh nhân đặc biệt tại Đại Yên –Hà Nội ngày 30 tháng 4 năm 1974. Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương đã phát biểu: "Cụ Nguyễn Đức Cần có một khả năng kỳ diệu và phương pháp chữa bệnh hoàn toàn mới và rất thần tình, mặc dầu chưa giải thích được, là một tồn tại khách quan,không thể phủ nhận được."

Có 2 câu chuyện về gia đình Giáo sư Hoàng Phương với cụ Nguyễn Đức Cần

I.
Vào khoảng cuối năm 1982, ông Hoàng Phương có lần phải đi công tác xa Hà Nội, không may ở nhà, vợ ông bị sốt cao phải đưa vào bệnh viện và sau khi tiêm thuốc thì vợ ông bị chết.

Sau ngày lễ tang, đêm đêm vợ ông hiện về nhà kêu khóc rằng: Vì anh đi công tác xa, không lên gặp Thầy ( cụ Cần ), nên tôi bị chết oan.

Buổi chiều hôm đó, khi cụ đang ngồi uống rượu ngoài sân, cạnh gần cây trứng gà, thì ông Hoàng Phương có lên thưa chuyện với cụ về việc trên. Cụ có hỏi lại: ”Ông là nhà khoa học mà lại tin có ma à ?”

Ông Hoàng Phương có thưa rằng: ”Thưa cụ, mong cụ giúp cho“. Cụ trả lời: ”Được” và cụ hẹn ông là sau 100 ngày, sẽ trở lại đây.

Đúng hẹn , ông Hoàng Phương lại lên gặp cụ. Cụ có cho ông một tờ đạo về hoá tại nhà và sau ngày đó ông có cho chúng tôi biết vợ ông không còn thấy hiện về nữa.

II.
Vào một ngày hè năm 1982, ông Hoàng Phương cùng một người cán bộ cao cấp lên Đại Yên gặp cụ Nguyễn Đức Cần.Hai người trình bầy với cụ về việc tập hợp một số nhà ngoại cảm để đi tìm mỏ dầu cho đất nước .Bản báo cáo kiến nghị đó được biết sẽ đưa đến tận tay ông Trường Chinh, lúc đó đang là Chủ tịch Hội đồng nhà nước.

Chúng tôi được biết nhà nước lúc đó về nguyên tắc đồng ý cho đoàn tiến hành đi tìm mỏ dầu, nhưng chỉ cho đoàn mượn ô tô, còn xăng dầu thì phải tự túc. Ông Hoàng Phương phải bán chiếc TiVi của nhà ( lúc đó là một tài sản quý giá ), để lấy tiền mua xăng dầu.

Chúng tôi biết rằng công cuộc tìm kiếm mỏ dầu, không được như sự trông đợi. Các thông tin mà các nhà ngoại cảm nhận được bị nhiễu. Hôm trước tại thực địa nhận thấy luồng khí dầu, nhưng hôm sau khi xác định lại, thì không nhận thấy,như vậy các thông tin không chính xác và việc tìm kiếm phải dừng lại cùng lúc đó ông Hoàng Phương cũng hết cả tiền.

Về sự việc này, cụ có dạy chúng tôi : "Dầu thì có đấy, nhưng chưa đến lúc tìm thấy."

10 tháng 1, 2009

Thế giới vô hình

Thế giới song song thực sự tồn tại
(Bài viết trích trong cuốn sách cuốn sách "Tích hợp đa văn hóa Đông Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai" - Nguyễn Hoàng Phương, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội - 1996)

Nhà triết học và thông thiên học nổi tiếng C. Janarajadasa đã từng nói khái quát về các cõi giới vô hình như sau: “Đối với thế giới rộng lớn hơn và vô hình đang bao quanh chúng ta, một vấn đề mà chúng tôi đề cập đến không phải theo như lời người khác nói, mà một phần là theo các kinh nghiệm riêng và trực tiếp của chúng tôi".

Không biết là có cái gì đó đặc biệt hay không trong bộ não của chúng tôi. Nhưng một sự kiện luôn luôn thường trực đối với ý thức của chúng tôi là có tồn tại một thế giới mà mắt thường không trông thấy (được gọi là vô hình) bao quanh chúng ta ở mọi phía, đi xuyên qua, thấm vào và bao bọc mọi sự vật, một thế giới mà hết sức khó tả. Thế giới này được trông thấy không phải bằng con mắt bình thường của mỗi người. Các con mắt đó (mắt vật lý) dù mở hay nhắm lại đều không có vai trò quan trọng.

9 tháng 1, 2009

Một môn khoa học mới - Trường sinh học

Chúng tôi trân trọng giới thiệu một bài viết của Gs Nguyễn Hoàng Phương đăng trên báo Lao Động, Xuân Nhâm Tuất, 1982
Tờ báo Nhật Mainichi Daily News ( 7-5-1981) và các tờ báo Pháp Express ( 12-5-1981),Paris Match (15-5-1981) cùng đưa tin cuộc toạ đàm quan trọng ở Liên xô về trường sinh học, công bố trong tờ báo Ôgônhiôk (17-4-1981) dưới đầu đề: "Theo những quy luật chưa hề biết của tự nhiên".
Trường sinh học, đó là nội dung của một khoa học về sự sống, một khoa học đã trăn trở qua mấy nghìn năm của lịch sử nhân loại và chỉ mới có điều kiện nở ra những chiếc hoa đầu tiên ở cuối thế kỷ này những chiếc hoa hiếm hoi nhưng rất quý báu.

4 tháng 1, 2009

Cụ là mẹ là cha

Hôm nay ngày 13 tháng 12 năm 1998, chúng tôi có mặt tại xã Khương Đình,quận Thanh Xuân,thành phố Hà Nội. Xưa nơi đây gọi là xóm Hồng xã Khương Đình,huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.
Rất may là khi chúng tôi đến thăm thì ông Nhâm đang ở nhà,bà Sở đi có việc vào trong xóm và một lát sau cũng đã trở về.
Ông Nguyễn Văn Nhâm, và bà Nguyễn Thị Sở,
tổ 3 cụm 4, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

1 tháng 1, 2009

Không tham vàng

Lời dẫn: Anh Lê Quang,trước đây là cán bộ điều vận của một công ty xây dựng ở Hà nội. Anh có cho chúng tôi biết, sở dĩ anh được biết đến cụ Nguyễn Đức Cần là do mẹ anh bị một bệnh gọi là sơ gan cổ chướng. Lúc đó bà mẹ anh đã ngoài 60 tuổi và hai lá gan bị nhiễm bệnh, bụng sưng to căng phồng như người mang thai 7 tháng. Gia đình đã đi chữa ở nhiều bệnh viện, thậm chí lên cả miền ngược để tìm thuốc, nhưng bệnh của mẹ anh cũng không thuyên giảm.