26 tháng 7, 2009

Người luôn vẫn ở trong trái tim chúng ta

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cụ Nguyễn Đức Cần – Một người Thầy chữa bệnh không dùng thuốc ( 1909-2009) . Ngày 25 tháng 7 năm 2009 ( tức ngày mùng 4 tháng 6 năm Kỷ Sửu) tại cánh đồng lúa làng Thanh Mai, huyện Thanh Oai – Hà Nội, Bộ môn Thông tin dự báo ( do Ông Nguyễn Phúc Giác Hải làm chủ nhiệm )- Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người đã cùng thân nhân trong gia đình Cụ ,tổ chức Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cụ.


Từ sáng sớm hàng trăm bà con cô bác , những bệnh nhân, những người chịu ơn, những người biết đến danh cụ, đã tề tựu về đây- nơi Cụ đang an nghỉ để tưởng niệm và tri ân Cụ.

Chúng tôi xin giới thiệu bài phát biểu của ông Nguyễn Phúc Giác Hải –Chủ nhiệm Bộ môn thông tin dự báo, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, trong buổi Lễ Kỷ niệm:



Thưa tất cả các bác và các anh , các chị
Thưa tất cả các bạn
Thưa tất cả gia đình ,con cháu nhà chữa bệnh Nguyễn Đức Cần .

Hôm nay chúng ta có mặt tại đây để tưởng niệm và tri ân một con người đặc biệt, đã cống hiến suốt đời mình, với năng lực siêu thường cho sức khỏe và hạnh phúc của nhiều người và đã hé mở ra cho khoa học một hướng nghiên cứu mới về những tiềm năng đặc biệt của con người : Đó là Nhà chữa bệnh Nguyễn Đức Cần ở Đại Yên – Hà Nội.

Cách đây 26 năm, ngày 13 tháng 7 năm 1983 ( tức ngày mùng 4 tháng 6 năm Quý Hợi ), Nhà Chữa bệnh Nguyễn Đức Cần đã từ biệt chúng ta và ba ngày sau, ngày 16 tháng 7 năm 1983 một đám tang trọng thể đã diễn ra từ làng Đại Yên - Hà Nội. Hàng ngàn con người đã khóc thương cho sự ra đi của cụ, đã chậm rãi bước đi sau xe tang và hàng chục chiếc xe hơi lớn nhỏ , đưa hàng trăm con người về nơi đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Người.

Trước khi Người ra đi , Người đã chọn cho mình nơi an nghỉ cuối cùng này, một vùng quê ở gần Bình Đà, không xa thủ đô Hà Nội , nơi quê của một trong những người con rể và con gái của cụ và hôm nay anh chị cũng đang có mặt tại đây.

Từ bấy đến nay, đã 26 năm trôi qua và năm nay là ngày giỗ lần thứ 25 của Cụ - một phần tư thế kỷ , các con cháu Cụ, những người chịu ơn cụ ,đã xây dựng nơi đây thành một khuôn viên xanh tươi, để cụ làm bạn với đồng quê, với những khóm lúa, với những hàng cau, với những bông hoa đại như đã từng có ở vườn Đại Yên của Cụ.Đó chính là hồn của đất, hồn của nước, để cụ làm bạn với trăng sao, với ánh thái dương và gió mát, cùng hòa mình với vũ trụ.

Và đây là bức tượng bán thân của Cụ do nghệ sỹ Trần Tuy đã tạc nên, để thay mặt chúng ta, thay mặt cho những người chịu ơn cụ, tri ân và vinh danh Cụ với hàng chữ Cụ Nguyễn Đức Cần- Nhà chữa bệnh ( 1909-1983).

Như vậy năm nay chính là Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cụ.Từ khi cụ về an nghỉ tại vùng quê này,nơi đây đã trở thành là nơi hành hương của tất cả chúng ta và nhiều người khi đến đây đã cảm thấy như lời thơ của nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“ Ta bên Người , Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút ”

Và nhiều người đã thấy khỏe khoắn hơn ,một số bệnh đã mất đi y như Người đã vẫn đang tồn tại bên chúng ta và vẫn tiếp tục chữa bệnh cho chúng ta như lúc Người vẫn còn sống .Do đó nhiều người vẫn tìm đến nơi đây để được an ủi.

Như chúng ta đã biết : Cụ Nguyễn Đức Cần sinh vào đêm 30 Tết năm Kỷ Dậu 1909 ở Đại Yên – Ba Đình - Hà Nội.

Như vậy năm nay chúng ta Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cụ. Nhân dịp này xin cho phép chúng tôi được nhắc lại một vài sự kiện về cuộc đời Cụ và ảnh hưởng của Cụ đến nền khoa học tâm linh của thế kỷ 21 này.
Như chúng ta đã biết : Cụ Nguyễn Đức Cần sinh ra trong một gia đình khá giả ở Đại Yên – Hà Nội. Cụ là người con trưởng nên người ta thường gọi là Cụ Trưởng Cần.

Từ thuở nhỏ cụ đã sớm thoát ly gia đình để đi tìm thầy học đạo và được khai mở một khả năng đặc biệt. Đó là khả năng có thể chữa bệnh cho những người khác không dùng thuốc , chữa từ xa, không cần động chạm vào bệnh nhân . Cụ đã đi những đâu, tu luyện ở đâu để có khả năng đặc biệt như vậy, đó là một điều bí ẩn và chúng ta đành có thể hỏi như nhà thơ Tố Hữu đã viết :

“ Hỏi dòng sông ấy, hỏi tre lau
Những tháng ngày xưa bác ở đâu ?”

Và như lời cụ đã kể lại : Cụ đã làm việc ở trên núi rừng , học tập và sau đó cụ được Thầy cho hạ sơn suốt đời và tại ngôi nhà ở làng Đại Yên – Hà Nội ,từ những năm 1940 , cụ đã chữa bệnh cho nhiều người không dùng thuốc , có khi cụ chỉ dùng một miếng giấy mà cụ ký tên vào đấy.

Cho đến năm 1974 , khi ấy tôi đang công tác tại Viện khoa học Việt Nam, được nghe nói về khả năng đặc biệt này, là một người quan tâm đến các hiện tượng đặc biệt của sinh học cho nên chúng tôi không thể không quan tâm đến hiện tượng đặc biệt của cụ và chúng tôi đã đến gặp cụ vào một ngày mùa xuân , mùng 6 Tết năm Giáp Dần 1974.

Trong buổi này Cụ đã nói với tôi : “ Tôi chữa bệnh bằng cái đầu nhưng người ta cứ gọi tôi là phù thủy ’’.
Sau đó chúng tôi đã làm việc trực tiếp cùng với cụ và được cụ tạo điều kiện tiếp xúc với các bệnh nhân và chứng kiến việc cụ chữa bệnh.

Việc nghiên cứu của chúng tôi do chính Phó chủ nhiệm , bí thư đảng đoàn của Ủy ban khoa học nhà nước cho phép và ngày 26 tháng 4 năm 1974, tôi đã báo cáo tại Bộ Công an ,do yêu cầu của Bộ Công an về khả năng đặc biệt của cụ, ví một mặt nào đó có liên quan đến quốc phòng và an ninh quốc gia.

Ngày 30 tháng 4 năm 1974, một cuộc quay phim khảo sát chữa bệnh của cụ, trước sự chứng kiến của đông đảo quan chức nhà nước và giới khoa học . Cụ đã chữa tại chỗ một ca bệnh tóc kết và bại liệt thành công.
Thế nhưng sau đó giới y tế lại cho rằng việc chữa bệnh này do tự kỷ ám thị và đã có thông báo cấm cụ hành nghề.

Rồi một tờ báo đã viết có tính chất châm biếm ;

“ Lão Trưởng Cần không cần tiền
Lão chỉ cần cứu nhân độ thế
Lão chỉ cần chữa bệnh bằng trỏ tay
Bịp bợm kiếm ăn sao quá dễ
Lão chỉ cần vài chú cò mồi
Nhà khoa học gà mờ quá tệ ’’.

Bài báo đó có đầu đề “ Lão phù thủy và nhà khoa học ”.

Ý nói chúng tôi và anh Hoàng Phương là những người nghiên cứu gà mờ, nhưng chúng tôi đã chứng minh bảo vệ chân lý khoa học đó bằng tất cả các biên bản, băng ghi âm và tài liệu quốc tế.

Mặc dầu như vậy ngày 1 tháng 5 năm 1976 tôi đã bị kiểm điểm, nếu không nhận sẽ rời khỏi Viện khoa học Việt Nam. Nhưng tôi đã kiên quyết bảo vệ chân lý của Cụ và tôi chấp nhận ra khỏi Viện khoa học Việt Nam , tiếp tục đấu tranh và sau 15 năm , ngày 1 tháng 5 năm 1990 tôi được trở lại Viện và vấn đề của Cụ đã được sáng tỏ.

Và ngày nay vấn đề ngoại cảm và tâm linh đã được Đảng và nhà nước ta cho phép thành lập một Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam .Được sự chấp nhận của nguyên Tổng bí thư Lê khả Phiêu, cách đây 10 năm cho phép thành lập Trung tâm đó. Trong Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người , có một Bộ môn nghiên cứu về năng lượng chữa bệnh sinh học .

Từ khi được gặp Cụ , chúng tôi đã thấy cuộc đời của mình bước sang một trang mới, tức là chúng tôi đã chuyển việc nghiên cứu di truyền học sang hướng nghiên cứu khoa học ngoại cảm .

Và trong bài viết đọc trong tang lễ của Cụ , tôi đã nói :

“ Kể từ khi ấy trong tôi
Trái tim nắng hạ, mặt trời bừng lên
Hồn tôi hoa thắm tươi thêm
Ngát hương rộn tiếng chim hót mừng
Lòng vui lòng lại hẹn lòng
Để sao vui ấy vui chung mọi người
Con đường chữa bệnh tuyệt vời
Góp thêm hạnh phúc cho đời hôm mai ’’.

Và điều đáng tiếc là nhà báo Vitali Moiep của Thông tấn xã Liên xô sau khi nghe được những tin tức về việc chữa bệnh đặc biệt của cụ , đã tìm đến cụ, nhưng mà đến muộn một tuần sau khi cụ đã mất.

Ông đã viết một bài trên báo văn nghệ nói rằng : Rất tiếc là khi tôi đến ngôi nhà 86 Đại Yên , thì nhà chữa bệnh đã qua đời được một tuần.

Hôm nay nhân ngày giỗ Cụ , chúng ta có mặt tại đây, một ngày giỗ đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cụ.

Chúng tôi rất vui mừng thấy đông đảo các bác, các anh chị em, có mặt tại đây để chúng ta tưởng niệm và tri ân cụ.Một con người đặc biệt của đất nước ta và của thế giới, đã có một khả năng siêu thường mở đường ra cho một bước đi mới của khoa học ngoại cảm và tâm linh của nước ta : Nhà chữa bệnh Nguyễn Đức Cần.

Chúng ta tin rằng anh linh của Người sẽ vẫn theo dõi chúng ta và Cụ Nguyễn Đức Cần vẫn mãi mãi ở trong trái tim của chúng ta.

Xin chân thành cảm ơn tất cả các bác, các anh chị đã đóng góp vào việc xây dựng nên khu tưởng niệm này.
Xin chân thành cảm ơn các bác , các anh chị đã có mặt tại đây.

Hà Nội, 25/7/2009

Nguyễn Phúc Giác Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét