4 tháng 9, 2009

Không thể nào quên được ơn Cụ

Lời dẫn: Ngày 17 tháng 6 năm 1982, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng – Minh Đăng Khánh đã đến thăm cụ Nguyễn Đức Cần ở làng Đại Yên, quận Ba Đình - Hà Nội, xin phép cụ cho được phỏng vấn trực tiếp về phương pháp chữa bệnh đặc biệt không dùng thuốc của cụ và phỏng vấn một số bệnh nhân. 
Chúng tôi xin trích đoạn Phóng viên Minh Đăng Khánh hỏi chuyện Ông Vũ Như Lộc – Một nhà giáo.

-Xin anh cho biết quý danh, địa chỉ?

-Tôi là Vũ Như Lộc ở số nhà 33 phố Trương Hán Siêu, Hà Nội. Tôi là bệnh nhân lâu năm của cụ, tôi đã lên cụ 13, 14 năm nay rồi.

Tại sao tôi lên cụ? Vì vợ tôi bị tâm thần từ năm 1958 đến năm 1960 được bác sỹ Đặng Văn Chung chữa trị không khỏi, phải bán cả nhà đi. Có người mách phải ra đồng, ra đồng thật tốn kém, nhưng vợ tôi đỡ hơn, nhưng được một thời gian, bệnh lại tái phát. Lên cụ, cụ cho giải đồng. Cụ bắt bỏ mê tín dị đoan, không đi lễ nữa, không lên đồng lên bóng nữa, khăn chầu áo ngự phải phá đi, không được bán cho người khác, sợ người khác vướng vào, mình lại có tội. Chỉ sau một thời gian ngắn vợ tôi ổn định. Đến năm 1974 được tin con hy sinh ở miền nam thì lại bị bệnh. Tôi đưa vợ lên cụ chữa tiếp, bây giờ đã bình thường.

-Bản thân anh có được cụ chữa trị không?

- Bản thân tôi từ khi lên cụ, tôi đã hoàn toàn bỏ không dùng thuốc. Mỗi khi tôi mắc bệnh gì lên xin cụ là hết bệnh ngay. Ví dụ như khi tôi bị thấp khớp, tay sưng đỏ và nóng rực lên, tôi lên xin cụ. Cụ nói: "Được tôi cho ông khỏi ngay để mai đi công tác xa". Thế là khi tôi ra khỏi cửa thì bệnh khỏi luôn, tay đã dịu hẳn đi, không còn đau nữa. Có bệnh rất kỳ lạ là cụ hẹn giờ cho khỏi. Tôi bị viêm bàng quang, mỗi khi đi tiểu là buốt vô cùng và chỉ dám mặc quần đùi thôi. Tôi lên cụ, cụ hẹn 7 giờ tối mai sẽ khỏi, thì đúng 7giờ tối hôm sau tôi đi tiểu, một viên sỏi to hơn hạt ngô bắn ra và tôi khỏi luôn bệnh viêm bàng quang. Do đó tôi không thể không tin được. Con dâu tôi đẻ ở viện C, bị sót rau máu ra nhiều và sốt đến gần 40 độ, nhưng tôi không cho cháu nạo. Tôi lên cụ, cụ cho mảnh giấy đề chữ sót rau, thế là hôm sau cháu khỏi, đến bệnh viện cũng phải ngạc nhiên. Cháu nội tôi bị chàm,cụ cho miếng giấy đặt lên trán, thế là khỏi. Đúng là một sự kỳ lạ.

-Tờ giấy đó dư luận cho rằng đó là một thứ bùa phép, theo anh, anh thấy tác dụng như thế nào?

-Tờ giấy đó không phải bùa phép gì đâu, với nhiều người bệnh, cụ chỉ nói một câu về nhà là khỏi bệnh, như vợ đại sứ Nguyễn Tiến Thông là chị Sâm, 9 tháng trời ở Tiệp Khắc chị bị mất ngủ. Chị đã kể với tôi là đã uống hơn 3500 viên thuốc ngủ. Về Việt Nam thì người chị trông thật sơ xác. Chị ấy lên cụ và nói: "9 tháng nay con không biết giấc ngủ là gì, hoàn toàn ngủ là do thuốc, ở bên kia các Giáo sư, bác sỹ chữa không khỏi". Cụ bảo: "À, nếu vậy tôi sẽ chữa cho bà biết là Việt Nam còn giỏi hơn cả Tiệp Khắc. Tối nay tôi sẽ cho bà ngủ và bà sẽ khỏi bệnh”.

Đến 7 giờ tối hôm đó, chị ngáp lên ngáp xuống rồi lên giường ngủ một lèo tới sáng. Chị nói ba năm nay tôi không có một giấc ngủ ngon như vậy. Có thư cảm ơn của gia đình chị Sâm đây.

-Anh có thể kể một số trường hợp cụ chữa mà anh biết được không?

-Làm sao mà kể cho hết, vì có rất nhiều, nhìn những bọc thư cảm ơn kia thì anh biết. Có hàng nghìn bức thư có dán ảnh và địa chỉ cụ thể. Trước đây có hàng nghìn bức thư như thế, nhưng người ta bảo là thư giả, nên các bức thư cảm ơn về sau các bệnh nhân có dán ảnh, vì cụ chữa bệnh xong cụ có lấy gì đâu, một xu nhỏ cụ cũng không lấy, đưa quà lên biếu, cụ cũng không nhận. Cụ bảo: "Ốm đã từngg ấy năm giời thì đâu còn tiền mà biếu xén gì, đem tiền về mà bồi dưỡng."

Lòng biết ơn của người bệnh với cụ thì vô bờ bến, nhưng họ không biết làm thế nào nên chỉ bằng cách viết thư dán ảnh để cảm ơn Cụ.

Tôi kể một trường hợp điển hình là Trung tướng Phạm Kiệt (*) bị ung thư ruột đã được mổ ở Đức, họ báo cho Ban bảo vệ sức khỏe là không sống quá tháng 5-1974. Anh Phạm Kiệt nhờ tôi đưa lên cụ. Cụ bảo không chữa được nữa, có lẽ Cụ đã biết trước là mệnh của anh không còn nữa, nhưng mỗi khi lên cụ về, anh nói là cảm thấy khoẻ hơn và vết thương không ra mủ máu. Anh xin cụ kéo dài thời gian ra cho anh, vì anh cần phải giải quyết việc gia đình. Cụ nhận lời và đến cuối năm anh mới mất, tức là kéo dài thêm được 7 tháng.

Đây là thư cảm ơn của anh Phạm Kiệt.
Kính gửi Cụ Trưởng Cần
Trong thời gian cụ còn được chữa bệnh, tôi có đến với Cụ một vài lần tuy chưa được Cụ chữa bệnh chính thức, nhưng một số bệnh thần kinh như huyết áp được xuống, ngủ được, không phải dùng thuốc ngủ, đường ruột co bóp tốt hơn, còn bệnh chính thì thật là nan giải, nhưng sau đó Cụ bị cấm không được chữa bệnh nữa, từ đó tôi không được chữa bệnh nữa, nhưng mỗi khi đến với Cụ thì thấy trong người dễ chịu hơn. Bây giờ điều mà tôi mong muốn là Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Cơ quan khoa học nhà nước với các đồng chí có chức trách nên nghiên cứu lại và để cho Cụ được chữa bệnh cho đồng bào một số bệnh mà khả năng của Cụ đảm đương được. Đó là điều làm tốt không có gì trở ngại theo sự hiểu biết cá nhân của tôi. 
Cuối thư chúc Cụ sức khỏe và mong sớm muộn có ngày Cụ sẽ được chữa bệnh cho nhân dân là điều tốt nhất.
Cảm ơn Cụ.
Ký tên – Phạm Kiệt

- Ngoài Trung tướng Phạm Kiệt ra , anh có thể dẫn chứng thêm trường hợp nào tiêu biểu mà anh đã biết ?

- Tôi xin dẫn chứng thêm một trường hợp điển hình theo tôi biết, đó là Anh Khuất Duy Tiến (**) – Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội và Bí thư thành ủy đầu tiên của Hà Nội. Vào năm 1961 – 1962 anh Tiến bị rối loạn thần kinh, hoàn toàn không thể làm việc được nữa . Đến năm 1973 thì anh biết Cụ và lên Cụ để chữa và từ đó anh tỉnh táo và bắt đầu hiểu biết những ngưởi chung quanh. Sau đó, anh lại bị năm cái gai đôi mọc ở gáy làm cho anh mất ngủ. Và chị Kim, vợ anh Tiến cũng rất khổ. Khi đưa anh lên Cụ về, thì chỉ năm ngày sau hoàn toàn năm gai đôi biến đi và anh Tiến đã ngủ được .

Gia đình anh Tiến không thể nào quên được ơn Cụ.


Người thực hiện phỏng vấn

Minh Đăng Khánh
Phóng viên Báo Sài Gòn Giải phóng



----------------------------------------------
(*) Trung tướng Phạm Kiệt, tên thật là Phạm Quang Khanh (1912-1975), quê ở xã An Phú, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi; là Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa III, IV; Trung tướng Công an Nhân dân Việt Nam; nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy Lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

Ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội từ năm 1929. Tháng 6 năm 1931, bị thực dân Pháp bắt, kết án tù chung thân, đày đi Buôn Ma Thuật. Năm 1943, được trả tự do.

Ông đã lãnh đạo, xây dựng và là đội trưởng đầu tiên đội du kích Ba Tơ; tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Ba Tơ (11-3-1945). Tháng 8 năm 1945, ông là Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa và lãnh đạo giành chính quyền ở tỉnh Quảng Ngãi.

Năm 1946, ông là đại đoàn trưởng đại đoàn 31 thuộc khu 5. Năm 1953 đến năm 1960, ông là Cục phó, rồi Cục trưởng Cục bảo vệ thuộc Tổng cục Chính trị, Bộ Công an Việt Nam. Năm 1961, ông là Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Năm 1971, ông là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 1974, ông là Trung tướng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Lực lượng Công an vũ trang.

Năm (1961-1975) Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang, Trung tướng, Thứ trưởng Bộ công an.

----------------------------------------------
(**) Ông Khuất Duy Tiến (1909 – 1984), là nhà hoạt động cách mạng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa I, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Thành phố Hà Nội những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám và trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp.

===============================
Thông tin cập nhật ngày 8-6-2013, băng ghi âm đoạn phỏng vấn này được bác Nguyễn Tài Đức nhờ bạn Hiếu đưa lên mạng youtube. Tôi xin phép bác đăng lại trên trang tư liệu này tại bài viết dưới đây: Băng ghi âm phỏng vấn cụ Nguyễn Đức Cần với phóng viên báo SGGP
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét