5 tháng 7, 2012

Nơi đây, Cụ an nghỉ


Trước ngày trở về chốn cũ,cụ có nói xa xôi rằng: ”Tôi sẽ về ở một cánh đồng ,bốn bề có cây cối phong quang,không xa cũng không gần ,ai vào cũng được.” Ngày đó chúng tôi không ai hiểu đó là lời dặn lại của cụ…

Vào hồi 19 giờ 4 phút ngày 13 tháng 7 năm 1983 (tức ngày 4 tháng 6 năm Quý Hợi) cụ Nguyễn Đức Cần đã từ biệt chúng ta để đi vào cõi trường sinh.Ngày 16 tháng 7 năm 1983 tổ chức tang lễ cụ tại ngôi nhà 86 làng Đại Yên-Hà Nội và tiễn đưa cụ về nơi an nghỉ tại xã Thanh Mai,huyện Thanh Oai,tỉnh Hà Tây ( cũ ).
Chưa bao giờ ở Hà Nội lại có một đám tang nhiều khăn trắng như vậy,hàng ngàn bệnh nhân , những người chịu ơn chít những giải khăn tang trên đầu ,từng đoàn ,từng đoàn người nối nhau đến tiễn đưa cụ, không ai khóc thành tiếng,nhưng nước mắt ràn rụa…

Huyệt mộ của cụ được đào tam cấp theo hướng bắc -nam,cấp một và cấp hai rải giấy hồng điều,cấp ba để mộc , khi khai huyệt thấy đất có vân mầu ngũ sắc và mùa này ruộng vừa gặt xong chỉ còn lại những chân rạ…

Sau hơn hai năm, vào ngày 21 tháng 11 năm 1985 (tức ngày 10 tháng 10 năm Ất Sửu) gia đình cụ cùng bà con bệnh nhân đã tiến hành xây mộ cụ như lời cụ về dặn lại ( không cải táng ).

Ngôi mộ cụ được thiết kế như hình một con thuyền Giác, để đưa chúng ta đến bến bờ kia của Đạo chính.Ngôi mộ được đúc bằng chín khối bê tông tại ngõ Tiến Bộ , phố Khâm Thiên và đưa lên xe chở từ Hà Nội vào.Đúng chính ngọ ngày 10 tháng 10 năm Ất Sửu 1985 công việc lắp ghép và xây dựng mộ cụ được hoàn tất.



Chúng tôi xin trích một đoạn nhật ký :

Thứ năm ngày 21 tháng 11 năm 1985 ( tức ngày mồng 10 tháng 10 năm Ất Sửu )

Hôm nay là ngày xây lắp ngôi mộ của ông, 4 giờ sáng xe của em Thắng đã đến đón để vào Thanh Mai, đi cùng xe có em Chiêu, anh Quang, em Quân và mấy người thợ xây dựng làm đá Granito: bác Lân, bác Hưng, bác Xuân.Trời vào độ tháng 10 sương đêm nhẹ rơi và hơi se lạnh.Tang tảng sáng thì xe vào đến Thanh Mai –nơi ông yên nghỉ.Xe tải của anh Lai chở những khối bê tông cũng đã vào đến nơi, cùng đi có bà Trưởng Hưng, bà Côi.Từ ngoài Hà Nội vào có rất đông bà con: bà Hai Ân, chị Lê, ông Ba Nhâm, anh Vang, anh Trung , anh Hoàn , chị Ngọc, chị Bình….

Bác Cương và Hải đã về trong quê từ hôm trước, ở trong làng có vợ chồng anh Ảnh- chị Sinh và một số thanh niên ra giúp sức.Trời sáng rõ thì bắt đầu công việc : đưa các tấm bê tông xuống xe và khiêng vào khu ruộng phía trong.Lúa đã gặt xong vụ, nhưng những thửa ruộng phía ngoài, bùn vẫn ngập tới bắp chân. Công việc khiêng những tấm bê tông vào qua các thửa ruộng thật nặng nhọc. Tấm to nhất phải đúng 18 người mới khiêng nổi.Ngồi nghỉ đôi chút nơi đầu bờ ruộng, uống chén nước chè nóng…gió đồng thổi về mát rượi làm vơi đi bao nỗi mệt nhọc…có tiếng ai đó giục giã..tiếp tục công việc thôi.

12 giờ trưa, đúng chính ngọ, công việc cuối cùng đã hoàn tất.Ngôi mộ ông đã được xây lắp xong.Chúng con thành kính thắp lên những nén hương thơm ngát.Bao nhiêu nỗi lo lắng, bao nhiêu nỗi khó khăn vất vả. Hôm nay công việc đã xong.Trong lòng chúng con thấy thật thanh thản vô cùng. Ngôi mộ ông được đúc bằng 9 khối bê tông, đặt theo hướng bắc-nam. Người thiết kế đã tạo dáng ngôi mộ như một con thuyền. Vâng, một con thuyền Giác, đưa chúng con vượt qua bể khổ cõi đời.Màu xanh phía bên ngoài tượng trưng cho hành mộc , chỉ mùa xuân, mùa của bắt đầu của một năm, mùa của đất trời vạn vật sinh sôi.Màu vàng phía bên trong chỉ hành thổ, là trung ương. Màu vàng cũng là màu ánh sáng của nhà Phật soi tỏ khắp cõi thế gian này.
Chúng con đứng đây, giữa đồng quê bát ngát, trong lặng im, nghe gió cuối thu lồng lộng thổi, xa xa là những làng quê êm đềm với những luỹ tre xanh tự ngàn đời xưa.

Nhớ đến lời ông dặn năm nào :”Tôi sẽ về một nơi rộng rãi, xung quanh có nhiều cây cối và cũng gần thôi.”
Ngày 23 tháng 11 năm 1993 (tức ngày 10 tháng 10 năm Quý Dậu) khu vực mộ cụ được mở rộng và lát gạch ,mỗi chiều rộng 7 m.
Ngày 21 tháng 6 năm 1994 (tức ngày 13 tháng 5 năm Giáp Tuất) làm con đường lát gạch từ mộ cụ đi ra.
Ngày 23 tháng 10 năm 1994 (tức ngày 19 tháng 9 năm Giáp Tuất) lắp hàng rào xung quanh mộ cụ…Công việc cứ được tiến hành dần dần như vậy. ..

Từ khi cụ về an nghỉ tại nơi đây, hàng ngày có rất nhiều người đến thắp hương để tri ân cụ- một người Thầy đạo đức vô cùng tôn quý “ Muôn đóa hoa tươi luôn tỏa hương thơm ngát trên ngôi mộ của cụ ’’

Ông Nguyễn Văn Ảnh, bà Nguyễn Thị Sinh (con gái thứ hai của cụ )

Ông Nguyễn Văn Ảnh ( chồng bà Nguyễn Thị Sinh, con gái thứ hai của cụ ) là những người đang chăm lo hương khói tại nơi cụ đang an nghỉ, giải thích về hiện tượng đặc biệt có nhiều người về đây thắp hương :

- Là những bệnh nhân, những người chịu ơn cụ về đây thắp hương tưởng niệm thể hiện lòng biết ơn, tôn kính . Đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn “, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Nhà nước CHXHCN Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2004 đã công bố Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo ( số 18/2004/L/CTN ). Trong đó điều 1của Pháp lệnh ghi rõ “ Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy “. Điều 3 của Pháp lệnh khẳng định “ Sự tôn thờ tổ tiên là một tín ngưỡng, hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thể hiện tôn thờ tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng.biểu tượng truyền thống tốt đẹp về lịch sử văn hóa, đạo đức xã hội . Không ai được xâm phạm quyền tự do thờ cúng này “.

- Những người nghe đến danh cụ, những người đang bị bệnh ,biết đến tài năng chữa bệnh và đạo đức của cụ tìm đến đây với một niềm tin , mong được những điều tốt lành .
- Những người nghiên cứu khoa học và tâm linh đến đây để tìm hiểu những bí ẩn về nền văn minh phương đông, về triết lý khoa học dân tộc cổ truyền để ứng dụng vào đời sống cộng đồng .

Nếu chúng ta đi từ Hà Nội, qua Hà đông, đến ngã ba Ba La bông đỏ. Nếu đi thẳng theo quốc lộ số 6 sẽ tới Hoà Bình. Chúng ta rẽ trái theo quốc lộ 21b ( lối vào Chùa Hương ), qua Thạch Bích, rồi qua Bình Đà khoảng 3 km thì thấy ngay một khu vườn cau xanh tốt giữa cánh đồng lúa làng Thanh Mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ ).Đó là nơi cụ an nghỉ . Làng Thanh Mai xưa còn gọi là làng Mai Chúa. Chữ Mai ở đây có nghĩa là ngày Mai- ngày của tương lai. Chữ Chúa 主 còn có nghĩa là Chủ. Chủ của Ngày Mai.

Nguyễn Tài Đức
ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét