12 tháng 2, 2013

Lòng Nhân từ của cụ

Nhất viết Từ, nhị viết Kiệm
Đức Lão Tử


Một hôm, trong một buổi tiếp chuyện, có một người thưa với cụ là : “ Lạy ông, sao trời không giết hết những bọn người gian tham độc ác đi.”

Cụ từ tốn nói rằng: Nếu người ta chết hết, thì mình ở với ai.



Câu trả lời của cụ làm chúng tôi phải suy nghĩ. Nhiều người chúng ta thường quan niệm : Thiện và Ác là hai vế tách biệt và đối lập nhau, mà không thấy rằng trong mỗi con người chúng ta đều có cả thiện lẫn ác. Người thiện không phải lúc nào cũng toàn thiện mà cũng có lúc đối xử ác ( ác khẩu, làm việc ác ), còn người ác thì cũng không phải toàn ác mà bên trong vẫn còn chứa mầm thiện, cho nên dân ta vẫn có câu : Hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con là vậy.

Thường chúng ta khi xem xét một vấn đề gì đó hay về một con người cụ thể nào đó, chúng ta chỉ thấy được người mà quên đi mình.Ta nhận xét người khác với những thói xấu của họ bằng một con mắt khắt khe, mà đôi khi lại quên đi chính mình cũng còn có bao nhiêu thói hư tật xấu như vậy.

Tôi còn nhớ, thời thanh niên đã được đọc cuốn sách “ Chuông nguyện hồn ai” của nhà văn Mỹ Ernest Miller Hemingway. Cuốn tiểu thuyết viết về Robert Jordan, một người Mỹ thuộc Lữ đoàn quốc tế tham gia chống Phát xít trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Tựa Chuông nguyện hồn ai được Hemingway lấy từ tác phẩm Meditation XVII của nhà thơ John Donne

"Không có một người nào là một hòn đảo, tự bản thân là một thể hoàn chỉnh hết thảy; mỗi người là một mảnh của đại lục, một phần của đất liền; và nếu sóng cuốn xuống biển một mỏm đá ven bờ, thì châu Âu sẽ bé đi, cũng như là nếu nó cuốn mất một mũi đất hay phá đổ nhà bạn anh hoặc nhà anh; cái chết của bất cứ con người nào sẽ làm chính tôi bé đi, vì tôi là một thể thống nhất với toàn nhân loại; do đó anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn ta đó."

Vâng, mỗi người chúng ta là một thực thể tồn tại thống nhất với xã hội và nếu chúng ta tách khỏi nền tảng đó thì giá trị của cuộc sống chẳng còn điều gì nữa. Cho nên ta sống phải có tình yêu thương.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta ăn uống, đi lại và sử dụng biết bao thứ đồ dùng do người khác làm ra và chúng ta có bao giờ tự hỏi mình rằng: Ta đã làm gì cho mọi người.

Chúng tôi xin kể lại một câu chuyện.

Trong những người bệnh lên gặp cụ xin chữa bệnh, có một người làm chúng tôi thấy khó chịu. Bà khách này lần nào cũng đến nhà cụ rất muộn, mãi sẩm tối mới thấy bà ta thuê xe xích lô đến và mới vừa vào đến cổng ngõ nhà cụ, chưa thấy cụ đâu, bà ta đã nói oang oang “ Con lạy cụ ạ ! Con lạy cụ ạ!” mà cụ thì sau một ngày tiếp khách bận rộn vừa mới ngả mình được một chút. Cụ bảo với chúng tôi : Cô chú cứ ngồi chơi, Thầy đi nằm nghỉ một chút, đầu mình có phải bằng sắt đâu. Thế mà khi người đàn bà kia vào trong nhà, thì cụ đã trở dậy và ra ngồi ở chỗ tiếp khách hàng ngày. Mấy người chúng tôi ngồi ngoài sân lẩm bẩm với nhau, sao mà có người khách vô duyên thế…Lát sau, đã thấy bà ta vội vàng bước ra, trên khuôn mặt người đàn bà giàu có đó còn ngấn lệ …

Cụ đang tiếp chuyện tại Đại Yên

Hôm sau, nhân lúc vắng khách cụ nói với chúng tôi rằng : Người ta giàu có, vàng đeo đầy người đấy, nhưng cũng khổ tâm lắm, chồng thì nghiện rượu chẳng làm ăn gì mà chửi bới vợ suốt ngày, con cái thì có đứa hư hỏng, lại còn phải cưu mang một lũ cháu nghèo ở quê nội quê ngoại nữa, chứ có sung sướng gì đâu.
Nghe cụ dạy vậy, chúng tôi mới càng thấy tình thương bao la của cụ với tất cả mọi người và cảm thấy thật hổ thẹn với lòng mình.

Vũ trụ rộng lớn vô cùng vô tận và tình yêu thương bao trùm đến khắp muôn loài , muôn vật.

Ôi!Tình yêu thương chính là đạo của vũ trụ và chính tình yêu thương đó đã tạo lập nên thế giới này.

“ Ta đi yêu Người, ta yêu nhau
Người ta cũng là ta, khác đâu….”

(Trích sách tái bản lần 4)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét