4 tháng 1, 2009

Cụ là mẹ là cha

Hôm nay ngày 13 tháng 12 năm 1998, chúng tôi có mặt tại xã Khương Đình,quận Thanh Xuân,thành phố Hà Nội. Xưa nơi đây gọi là xóm Hồng xã Khương Đình,huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.
Rất may là khi chúng tôi đến thăm thì ông Nhâm đang ở nhà,bà Sở đi có việc vào trong xóm và một lát sau cũng đã trở về.
Ông Nguyễn Văn Nhâm, và bà Nguyễn Thị Sở,
tổ 3 cụm 4, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.


Bà Nguyễn Thị Sở là một bệnh nhân đã được cụ Nguyễn Đức Cần cứu chữa từ những năm 1950,tính đến nay đã gần nửa thế kỉ.

Chúng tôi xin phép được hỏi chuyện hai ông bà.

-Xin chào ông bà,xin ông bà cho biết quí danh và địa chỉ gia đình hiện nay?
-Tôi là Nguyễn Văn Nhâm,bà nhà tôi là Nguyễn Thị Sở,chúng tôi ở tổ 3 cụm 4 phường Khương Đình,quận Thanh Xuân,Hà Nội.

-Thưa ông bà, xin ông bà cho biết ngày đó bà bị bệnh gì?
-Tôi xin nói chuyện là như thế này,lúc chúng tôi xây dựng gia đình được một hai năm,sau khi nhà tôi sinh đứa cháu gái đầu lòng bị chết thì nhà tôi bị điên.Bệnh nhà tôi cứ nói linh tinh,rồi leo lên cây,lội cả xuống sông Tô Lịch.Gia đình tôi đi chữa hết cả mọi nơi, ở đâu có ông thầy nào là đi hết,kể cả thầy cúng,bác sĩ Tây,bác sĩ ta,vào cả bệnh viện Phủ Doãn rồi bệnh viện Bạch Mai,…nhưng chẳng còn hi vọng nào chữa được.

-Thưa ông,nhân duyên nào mà gia đình ta lại biết đến ông cụ ở Đại Yên?
-Chuyện là như thế này,nhà tôi có bà dì tu ở chùa Hàng Cót,những khách thập phương đến lễ,nói chuyện với nhau là ở làng Đại Yên có cụ Trưởng Cần chữa được nhiều bệnh cho nhân dân, ốm đau nguy hiểm mà thuốc thang không chữa được mà đến cụ chữa được.Bà sư ấy bảo:” Để tao đưa nó lên nói với cụ,nhờ cụ chữa cho.”Bà dì tôi phải nói dối,dỗ dành nhà tôi là ngày mai ông cậu khánh thành nhà,xuống đó ăn cỗ,lúc đó nhà tôi mới nhảy lên xe xích lô đi cùng dì tôi,còn tôi thì đi xe đạp theo sau.

-Thưa ông,lúc đến nhà cụ thì khung cảnh ở đó ra sao?
-Lúc đó rất đông người đến xin cụ chữa bệnh,cả Tây bên Liễu Giai cũng đến.Tôi và bà dì vào trong nhà thưa với cụ xin cụ giúp cho,còn nhà tôi cứ xắn cao quần chạy vòng quanh sân nhà cụ như con ngựa.
Cụ có bảo chúng tôi:”Nếu mà cô chú đã đi chữa nhiều nơi rồi mà không còn tiền nong nữa thì để tôi giúp,ở đây không phải cúng lễ,không phải thuốc thang gì,yên chí cứ về đi.”Sau đó,cụ cho một mảnh giấy để làm tin.Sau 3 ngày về thì thấy nhà tôi đỡ hẳn,không còn đi lung tung ở ngoài đường nữa.Tôi có lên thưa lại với cụ thì cụ lại cho một mảnh giấy mang về, cụ dặn để trong người cho cô ấy yên tâm,cho thần kinh ổn định.

-Thưa ông,xin ông cho biết mảnh giấy ấy như thế nào?
-Mảnh giấy đó chỉ bằng cái bao diêm thôi,cụ viết một chữ vào đấy,sau đó cứ mỗi một tùân là tôi lên xin cụ,khoảng 4 tháng sau thì nhà tôi đã có thể tự lên trên cụ một mình và khoảng gần một năm thì nhà tôi khỏi hẳn.

-Thưa ông,theo ông việc chữa bệnh của cụ có kì lạ không?
-Tôi thấy cụ chữa bệnh rất kì lạ ở chỗ thế này:không thấy cụ cho thuốc,cũng không phải cúng lễ,điện đài,chiêng trống tốn kém biết bao là tiền,thế mà bệnh lại khỏi.

-Thưa ông,sau khi bà nhà khỏi bệnh thì ông bà có phải trả tiền hoặc tạ ơn cụ gì không?
-Sau khi nhà tôi khỏi bệnh,chúng tôi có lên để tạ ơn cụ.Tôi có thưa là hoàn cảnh nhà con ốm đau như thế mấy năm liền thì tiền nong cũng tiêu hết cả.Vậy chúng con đưa lên chút ít,không dám nói là để trả ơn.Tôi đưa 20 đồng tiền Đông Dương,gọi là để xin cụ tạ lễ.Lúc đó cụ cười,cụ dạy rằng:”Thôi,tôi cho cô chú,tiền mang về làm vốn để làm ăn sinh sống mà nuôi nhau,không phải tạ lễ ai cả.”

Cụ dạy chúng tôi cụ chữa bệnh cho có sức khoẻ thì về làm ăn lương thiện,chân chính, đừng làm các việc phi pháp,nếu theo được như thế thì cụ mới công nhận cho lên cửa cụ.

-Thưa ông bà,sau khi bà được cụ chữa bệnh thì ông bà có được mấy người con?
-Sau khi nhờ cụ chữa khỏi bệnh,nhà tôi sinh được 8 cháu,đều nuôi được cả.Tôi nuôi 8 đứa con,mỗi khi ốm đau không phải thuốc thang gì cả cứ lên xin cụ ,thế là mọi bệnh đều khỏi hết.

-Thưa ông bà,chúng tôi thấy ở nhà ta đây có một bức ảnh cụ,vai đang vác cuốc.Thưa ông,bức ảnh này có từ bao giờ?
-Vâng,bức ảnh cụ đã có từ lâu lắm,có lẽ từ khoảng năm 1958 - 1960,cụ đi lao động ở đường thành về thì có một bênh nhân của cụ có chụp cho cụ một cái ảnh,nó chỉ bé bằng cái ảnh chứng minh thư.Cụ mới đưa chiếc ảnh đó cho tôi đi truyền thần ở phố Hàng Đào,về tôi đưa cụ thì cụ bảo treo ở nhà cụ một chiếc,còn một cái thì cụ cho tôi đem về nhà treo.Tôi để ở ngay giữa bàn thờ nhà tôi.Cái ngày cưới cháu,cụ xuống chơi thì cụ bảo không được để ở trên bàn thờ,cụ bắt treo ra bên cạnh, đến khi nào cụ mất mới được để thờ.

-Thưa ông,trong thời gian chiến tranh phá hoại ở miền bắc thì cụ có sơ tán về đây không?
-Cụ có về ở nhà tôi khoảng 2 tháng,lúc đó nhà tôi còn ở gần sông Tô,ngày ấy Mỹ nó đang đánh phá Hà Nội,một ngày là mấy chục lần còi báo động.Bấy giờ hoàn cảnh gia đình tôi vẫn còn nghèo nhưng chúng tôi vẫn chu đáo chăm sóc chỗ ăn chỗ ở của cụ.

-Thưa ông bà,tình cảm của những người bệnh đối với cụ như thế nào?
-Chúng tôi thường xuyên lên trên cụ,thấy tình cảm của bệnh nhân ai cũng kính trọng,quí mến cụ lắm.Bởi vì ốm đau bệnh tật đi chữa hàng bao nhiêu bệnh viện,tốn bao nhiêu tiền mà cũng không khỏi, đến cụ chữa cho khỏi bệnh mà lại không mất tiền ,lẽ dĩ nhiên là quí cụ quá chứ!

-Thưa ông bà,nay tuy cụ đã đi xa, nhưng cuộc đời cao đẹp cũng như đạo đức của cụ thì vẫn còn mãi trong lòng những người chịu ơn.Xin cảm ơn ông bà .

Chúng tôi xin phép chụp ảnh hai ông bà đứng trước ngôi nhà mới.

Chúng tôi ngắm nhìn ngôi nhà khang trang mới xây của ông bà Nhâm, tường vôi vẫn còn thơm mùi mới,bên thềm những cánh hoa đang nhẹ đưa trong nắng ấm.Bà Sở nở nụ cười tươi trên khuôn mặt hồng hào,nói với chúng tôi : ”Có được ngày nay,trong mơ cũng không thấy.Thật là ơn cụ suốt đời.”

Người thực hiện
Nguyễn Tài Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét