1 tháng 1, 2009

Không tham vàng

Lời dẫn: Anh Lê Quang,trước đây là cán bộ điều vận của một công ty xây dựng ở Hà nội. Anh có cho chúng tôi biết, sở dĩ anh được biết đến cụ Nguyễn Đức Cần là do mẹ anh bị một bệnh gọi là sơ gan cổ chướng. Lúc đó bà mẹ anh đã ngoài 60 tuổi và hai lá gan bị nhiễm bệnh, bụng sưng to căng phồng như người mang thai 7 tháng. Gia đình đã đi chữa ở nhiều bệnh viện, thậm chí lên cả miền ngược để tìm thuốc, nhưng bệnh của mẹ anh cũng không thuyên giảm. 


Anh Lê Quang (ảnh chụp tại đồi Ba Cây,Sơn Tây)

Một lần tình cờ đến làng Đại Yên-Hà Nội, để mua thuốc nam, được một người mách bảo, anh đã tìm đến cửa cụ và được cụ nhận lời cứu giúp.

Sau đó, mẹ anh đã khỏi bệnh một cách nhanh chóng và từ đó hàng ngày anh xin phép cụ được lên nhà, để giúp đỡ các công việc trong gia đình.

Nhưng có một thời gian, do công việc cơ quan anh phải đi xa…Chúng tôi xin trích dẫn một lá thư của anh gửi tới cụ

Quảng Ninh ngày 23 tháng 11 năm 1980 

Con kính thưa ông 

Chiều tối hôm nay con nhận được lá thư ông gửi và 6 lá đạo ông ban cho con. Con mừng quá và khoẻ thêm ra. 

Thưa ông 

Sáng ngày thứ hai 17 tháng 11 , con đã đưa hương của ông cho, mang ra đền Cửa Ông để ông từ ngoài đó thắp. Một điều con thấy rất đột ngột là ông từ ấy vừa bị chết, đúng vào buổi sáng mà ông cho con mang hương đi từ Hà Nội. 

Thưa ông sự bất ngờ ấy đã cho con nhiều suy nghĩ về những lời ông dạy, cũng như là con vừa được nghe tin ở Angiêri bị động đất lớn chết và bị thương hàng vạn người. 

Con càng thấy rõ lời ông dạy: ”Quyền lực tạo hoá là vô biên, loài người ngày càng phải thấy rõ cái quyền lực tối cao thiêng liêng của trời đất”. 

Thưa ông 

Hiện chỗ con đang làm việc bên mỏ than cọc 6 cách Cửa Ông và Mông Dương khoảng 10 km theo đường chim bay và cách Hà Nội khoảng 200km, sinh hoạt của chúng con gặp nhiều khó khăn, nước rất hiếm và mọi thứ giá cả rất đắt đỏ ,chỉ có than đun là sẵn vì chúng con ở ngay mỏ than. 

Dãy nhà con đang ở đầu hồi đã đổ bốn năm lần, nay vừa mới xây lại, mà anh em chúng con ở ngay cái gian đầu hồi đó, ai cũng lo vì gió to thì rất là nguy hiểm không biết đổ xuống lúc nào. Con chợt nhớ lời ông dạy là vùng Mông Dương này nhiều ma lắm. Xin ông dõi đạo che chở cho chúng con được yên ổn và an toàn… 

Cuối thư con kính mong ông luôn luôn mạnh khoẻ để chúng con được nhờ công đức ông mãi mãi. 

Kính thư 

Chúng tôi xin tiếp tục câu chuyện…

…lúc đó là thời kỳ bao cấp,cuộc sống còn nhiều khó khăn, mọi thứ cần thiết phải mua bằng tem phiếu. Cũng như bao gia đình khác, gia đình của anh Quang, ngoài giờ làm,phải làm thêm việc gì đó để cải thiện đời sống và thế là anh chọn thêm nghề bơm xe đạp ở hè phố.

Anh kể với chúng tôi rằng: có lẽ số mình thế nào đó, người ta mang bơm ra cũng ngồi như mình thì có khách gọi bơm xe và kiếm được tiền, còn mình chỉ ngồi ngáp dài cả tuần chẳng ai gọi đến. Một tối ngồi suy nghĩ miên man, chưa biết kiếm thêm tiền bằng cách gì mà nhà thì đông con, chợt nghe thấy tiếng đài thông báo kết quả xổ số Thủ Đô.” Đúng rồi ,mình sẽ mua xổ số ,biết đâu lại trúng “….nhưng khi sờ đến túi thì anh chẳng còn đồng tiền nào.

Sớm hôm sau như thường ngày anh lại lên trên cụ. Bỗng nhiên anh thấy cụ mở ví và đưa cho anh tiền, cụ nói: ”Thầy cho chú tiền mà mua xổ số”.

Anh thật ngạc nhiên và mừng rỡ. Anh xin cụ đi mua ngay mấy tấm vé số. Buổi tối hôm đó cả nhà anh háo hức ngồi chờ nghe kết quả mở thưởng, các dãy số trúng thưởng được đọc lên, nhưng chẳng có tấm vé nào của gia đình anh trúng cả.. mọi hy vọng thế là tiêu tan.

Hôm sau, lên nhà cụ hỏi :”Thế nào, chú có trúng xổ số không? Khó nhỉ?”, rồi cụ mỉm cười …

Chúng tôi xin kể tiếp một chuyện xổ số khác… 

Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương, là một nhà khoa học có đến nghiên cứu về cụ và say mê triết học phương đông. Một lần do thiếu tiền để phục vụ công việc khoa học, ông cũng nghĩ đến môt giải pháp là mua vé số.

Sau khi mua mấy tấm vé số, bỗng nhiên ông được nghe thấy một giọng nói ở trong tai mình: ”Nhà ngươi định kiếm tiền bằng việc không chính đáng này à?”. Ông giáo sư thật ngạc nhiên, không hiểu ai đã biết việc này rõ thế vậy. Thế rồi tiếng nói lại tiếp tục: ”Nhưng thôi, ta cũng thương nhà ngươi, cho hoàn lại đủ vốn”. Giáo sư Phương cho biết, kết quả lần ấy, số tiền ông trúng thưởng đúng bằng số tiền đã bỏ ra mua vé số. Có lẽ đây cũng là một bài học cho vị giáo sư đáng kính.

… câu chuyện dưới đây mà chúng tôi muốn các bạn suy nghĩ thêm về tiền của

Anh Lê Quang có kể lại rằng: 

Một lần, không biết vì công chuyện gì đó, (mà chúng tôi không tiện hỏi), anh đã nhặt được một chiếc ấm pha trà bằng vàng ở khu lăng Hoàng Cao Khải gần gò Đông Đa –Hà Nội. Thời ấy với một gia đình nghèo như gia đình anh thì đó quả là một vật có giá tri lớn.

Anh lên trình thưa chuyện với cụ. Cụ dạy nếu anh muốn thử vàng, cụ sẽ nói giúp, vì trong số bệnh nhân của cụ có người làm nghề kim hoàn.

Sau khi thử, người đó cho biết đúng là chiếc ấm bằng vàng ,nhưng độ tuổi non, vàng chỉ độ 5-6 tuổi.
Nhưng anh cũng biết rằng người ta thường nói: ”Được bạc thì sang, được vàng thì lụi”. Cho nên anh chẳng dám bán chiếc ấm vàng đó, mà cụ cũng không dạy gì . Điều đó làm anh phải suy nghĩ.

Mấy ngày sau, lựa lúc vắng khách anh xin cụ cách xử trí .Cụ dạy: ”Chú phải biết nơi đó (chỗ anh Quang nhặt được ấm vàng), máu đã chảy thành sông”.

Chúng ta biết rằng, vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, tiêu biểu là trận đánh Ngọc Hồi -Đống Đa..sử sách có ghi rằng: Quân nhà Thanh bị giết, thây nằm ngổn ngang khắp đồng,máu chảy như tháo nước,xác chất chồng thành 13 gò đống… về sau chỉ còn giữ lại một gò trên đó có trồng những cây đa nên gọi là gò Đống Đa…

Nghe được cụ dạy như vậy, anh thấy mình tỉnh ngộ và anh xin cụ cho phép anh thả chiếc ấm vàng đó xuống sông.

Anh cho chúng tôi biết, sáng tinh mơ hôm đó anh đạp xe lên cầu Long Biên-Hà Nội, đến giữa cầu bên dưới là dòng sông Hồng, nước đang cuộn chảy, anh mang chiếc ấm vàng ra, miệng cầu xin cụ và thả nó rơi tõm xuống dòng sông. Anh kể lại rằng lúc đó có một cảm giác rất lạ như có một dòng điện chạy suốt qua người, rồi sau đó thấy tâm hồn mình thật thảnh thơi.

Khi về nhà cụ, sau khi anh trình lại việc làm đã xong, cụ dạy:”Thật mừng cho chú “…vì đã không tham.

Nguyễn Tài Đức ghi 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét