23 tháng 11, 2009

Buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Nguyễn Đức Cần

Sáng ngày chủ nhật 22 tháng 11 năm 2009 tại hội trường Học viện hành chính quốc gia Hà Nội , câu lạc bộ tiềm năng con người đã tổ chức buổi Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà ngoại cảm chữa bệnh Nguyễn Đức Cần ( 1909 – 2009 )

Chúng tôi xin giới thiệu bài phát biểu của ông Nguyễn Tài Đức trong buổi lễ kỷ niệm :

Rạng danh hai chữ Đại Yên


Kính thưa Ban lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người
Kính thưa quý vị đại biểu

Trong lịch sử hơn 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thời nào cũng có những bậc kỳ tài ra đời để giúp dân, giúp nước.

Trong thế kỷ thứ 20 vừa qua , đất nước ta cũng xuất hiện những con người như vậy và hôm nay chúng tôi muốn nói đến một con người đặc biệt. Người đã cống hiến suốt đời mình với khả năng siêu thường cho sức khỏe và hạnh phúc của nhiều người.

Đó là Cụ Nguyễn Đức Cần ở làng Đại Yên- Hà Nội.



Làng Đại Yên là một làng trại thuộc Tổng Nội của kinh thành Thăng Long xưa . Trước đây làng có tên là trại Đại Bi , đến khoảng cuối thời hậu Lê, thì đổi tên là trại Đại Yên.
Nay làng Đại Yên thuộc phường Ngọc Hà , quận Ba Đình , thành phố Hà Nội.

Cụ Nguyễn Đức Cần sinh vào đêm 30 Tết Kỷ Dậu 1909 tại làng Đại Yên và mất ngày 13 tháng 7 năm 1983 ( tức ngày mùng 4 tháng 6 năm Quý Hợi ).
Vậy năm nay là đúng 100 năm kỷ niệm ngày sinh của cụ ( 1909-2009).

Cụ Nguyễn Đức Cần sinh trưởng trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước.Ông nội của cụ - Cụ Nguyễn Phúc Toàn đã tham gia hoạt động trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục , mang những tư tưởng tiến bộ, động viên dân ta chống các lề thói phong kiến lạc hậu, phát triển nền văn hóa dân tộc , đề cao tinh thần chống thực dân.

Sau khi thực dân Pháp đàn áp phong trào và đóng cửa trường tháng 12 năm 1907, cụ Toàn đã cùng một số sỹ phu yêu nước lên Yên Thế, tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp do cụ Đề Thám lãnh đạo. Cụ là người cộng sự đắc lực và là mưu sỹ số hai của lãnh tụ Hoàng Hoa Thám.

Khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế bị thất bại năm 1913, cụ Nguyễn Phúc Toàn đã anh dũng hy sinh.
Ông thân sinh ra Cụ Nguyễn Đức Cần – Cụ Nguyễn Đức Nhuận cũng bị giặc Pháp giết hại tại khu vực phố Hàng Bún – Yên Ninh , ngày 17 tháng 12 năm 1946, mở đầu cho cuộc toàn quốc kháng chiến.

Cụ Nguyễn Đức Nhuận đẹp duyên cùng cụ Hoàng Thị Khế và hai cụ sinh được năm người con.
Người con đầu là con gái , gọi là cô Nhuần hay còn gọi là cô Chín, vì cô mất lúc mới được 9 tuổi. Sau cô Chín là ba đốt con trai, nhưng các cậu đều bỏ đi từ sớm.

Vào đêm 30 Tết Kỷ Dậu 1909, Cụ Hoàng Thị Khế sinh lần thứ năm là con trai, đặt tên con là Nguyễn Đức Cần.

Thưa Quý vị đại biểu

Những con người đặc biệt thì khi sinh ra cũng có những điềm kỳ lạ.

Chúng ta biết rằng vào những đêm 30 tết thì trời rất tối ,người ta thường nói tối như đêm 30 .
Nhưng theo lời truyến lại của các cụ già trong làng Đại Yên, khi bà cụ Khế sinh người con trai này thì đêm 30 tết năm ấy, trời lại sáng trưng như có trăng rằm.

Phải chăng đó là một điềm lành báo rằng có một bậc dị nhân ra đời.Và Người đó đã làm rạng danh cho hai chữ : Đại Yên.

Ngay từ lúc còn nhỏ tuổi , cậu bé Nguyễn Đức Cần đã có duyên may gặp được một vị Thầy đạo cao đức trọng

Cậu Nguyễn Đức Cần đã theo vị Thầy đó đi đến những đâu , đã học như thế nào ?

Đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn.

Sau này Cụ Nguyễn Đức Cần có kể rằng : Cụ đã đi đến vùng Ba Vì – Sơn Tây, rồi đến Thác Bờ – Hòa Bình , qua các vùng núi miền Tây Bắc xa xôi và sang cả vùng thượng Lào , Phong xa lỳ….Và một trong những phương pháp học của cụ là luyện đôi mắt nhìn thẳng vào mặt trời lúc bình minh …Do vậy những người đã từng được gặp cụ đều nhận thấy cụ có một đôi mắt rất sáng.

Sau những tháng năm gian khổ , đi rất nhiều nơi và sống trong những vùng núi cao rừng thẳm .

Mùa xuân năm 1926 chàng thanh niên Nguyễn Đức Cần đã trở về làng .
Năm 1927 , vợ anh Nguyễn Đức Cần sinh người con trai đầu lòng , đặt tên là Nguyễn Đức Mẫn .Sau này hai vợ chồng cụ có thêm được ba người con gái nữa .

( Nguyễn Thị Chuyên 1938 , Nguyễn Thị Sinh 1947 và Nguyễn Thị Lê 1950 ).

Từ những năm 1940 , cụ Nguyễn Đức Cần đã chữa bệnh giúp cho nhiều người.

Lúc đầu cụ chữa trị bệnh cho những người trong họ tộc thân quen , nhưng sau đấy do chiến tranh loạn lạc , cuộc sống của gia đình Cụ cũng bị cuốn trôi theo dòng thời cuộc

Ở Hà Nội , từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945 không khí cách mạng càng thêm sôi động.

Sống trong cao trào cách mạng sục sôi đó , tại ngôi nhà 86 làng Đại Yên – Hà Nội , anh Nguyễn Đức Cần đã mau chóng tập hợp đông đảo quần chúng , những người lao động nghèo khổ , đêm đêm luyện tập quân sự , mua sắm vũ khí , may cờ đỏ sao vàng năm cánh để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa .

Sau này trên bức tường trong ngôi nhà 86 Đại Yên vẫn còn thấy rõ dòng chữ đã ghi ngày ấy : “ Vì Tổ Quốc , quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng ’’.

Ngày mùng 8 tháng 6 năm 1945 ( tức ngày 28 tháng 4 năm Ất Dậu ), một cái tang bất ngờ đã đổ xuống gia đình . Thân mẫu anh Nguyễn Đức Cần – Cụ Hoàng Thị Khế đã qua đời.

Sau khi chu tất xong lễ tang mẹ, anh Nguyễn Đức Cần nén đau thương việc nhà để cùng các đồng chí lo toan việc nước.

Sáng ngày 19 tháng 8 năm 1945 , cả Hà Nội ngập tràn khí thế cách mạng . Đồng bào rầm rộ kéo đến quảng trường Nhà hát lớn dự cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình, đoàn người trùng điệp chia ra nhiều ngả đi chiếm phủ Khâm sai, tòa thị chính , trại lính bảo an..

Anh Nguyễn Đức Cần lúc đó là Đại đội trưởng Đại đội Lam Sơn cũng có mặt trong ngày trọng đại của dân tộc và anh là một trong những người đầu tiên vượt qua hàng rào vào chiếm Bắc Bộ phủ.

Cuộc khởi nghĩa ngày 19 tháng 8 năm 1945 tại Hà Nội đã mau chóng giành được thắng lợi.

Cụ Nguyễn Đức Cần nói rằng : “ Nước nhà nay đã giành được độc lập , nhưng người dân còn chưa được hạnh phúc, muốn có hạnh phúc trước hết phải có sức khỏe, không ốm đau . Nay ta đi theo con đường khác , con đường mang lại sức khỏe cho nhân dân ’’.

Sau khi từ chiến khu trở về Hà Nội năm 1950 , khi công việc trong gia đình đã ổn định , cụ bắt đầu nhận chữa bệnh rộng rãi , nhiều người đã biết đến danh cụ, người bệnh từ nhiều nơi tìm đến cửa cụ để xin chữa bệnh.

Cụ chữa bệnh theo một phương pháp rất đặc biệt : Không cần khám hoặc hỏi bệnh , người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân đến gặp cụ , nếu được cụ nhận lời hoặc cụ cho một mảnh giấy có chữ ký của cụ mang về , thì bệnh có thể khỏi. Cụ chữa bệnh không dùng thuốc và Cụ có thể chữa bệnh từ xa .

Cụ chữa nhiều loại bệnh như : Điên , ung thư , đau dạ dầy , sơ gan cổ trướng , máu trắng , thấp khớp , vẩy nến , phù thận , méo mồm, trĩ, uốn ván ,áp huyết, tim, liệt tay chân,câm, điếc, hen , đẻ ngược, viêm não…..
Đã có hàng nghìn bức thư của những người bệnh có dán ảnh gửi đến cảm tạ và ca ngợi công đức của cụ.

Cụ hết lòng thương yêu , cứu chữa bệnh nhân , có khi đêm khuya , cụ còn đi đến các làng ngoại thành như Thạch Bàn , Kim Quan, Văn Đức , Hoàng Mai …để cứu chữa bệnh nhân, thực hiện “cứu bệnh như cứu hỏa’’.

Chữa bệnh thì tận tâm vất vả như vậy , nhưng cụ không hề nhận tiền của người bệnh . Bệnh nhân khỏi là cụ vui mừng.

Bệnh nhân đến cửa cụ có đến hàng vạn người gồm đủ các tầng lớp , nhưng đa số là những người lao động nghèo khổ.

Cuộc đời của cụ đã trải qua những tháng năm lao động cực nhọc, cuốc đất trồng cây gồng gánh trong nắng lửa mưa rầu.

Chính vì vậy Cụ đã cảm thông sâu sắc với những nỗi đau khổ của quần chúng lao động , thiếu cơm ăn áo mặc , ốm đau bệnh tật không thuốc thang.

Nhưng cái mà cụ đã cảm hóa đến ruột gan tim óc người bệnh là đức độ của cụ.

Nó không phải là những khuôn sáo của đạo lý sách vở mà chính là nguyên tắc trong cuộc sống hàng ngày của cụ.

Cụ nói : Trọng nhân nghĩa,sống nhân nghĩa và làm điều nhân nghĩa
Cụ đã thực hiện nguyên tắc sống cao đẹp : cần-kiệm-liêm-chính-chí công vô tư.

Bữa ăn thường ngày của cụ vẻn vẹn một lưng cơm, mấy quả cà với đôi ba chén rượu .

Cụ nói : Thế là quá đủ , dân còn khổ , mình sống sung sướng sao đang.
Có nhiều người bệnh , khi được cụ chữa khỏi với tấm lòng biết ơn chân thành đã mang quà và nhiều đồ quý giá đến biếu cụ . Nhưng cụ đều từ chối và kiên quyết trả lại. Bao người đã khóc vì cảm động trước tình thương mênh mang đó.

Cụ nói : Người ta đau khổ vì bệnh tật lâu rồi, nay được cứu giải thì ân sâu nghĩa nặng, mong muốn được đền ơn trả nghĩa . Nhưng ta quyết không tham.

Trước mắt cụ , mọi bệnh nhân đều bình đẳng, nhưng trong quá trình chữa bệnh cụ yêu cầu bệnh nhân phải sửa chữa những thiếu sót của bản thân trong quan hệ với gia đình và xã hội.

Cụ nói : Nghĩ đẹp, làm đẹp thì cuộc sống sẽ tốt đẹp.

Cuộc đời của cụ:
Sống chữa bệnh cứu đời, vì nước vì dân phục vụ
Chết nêu gương trong sáng, vinh hoa phú quý không màng

Ngày 13 tháng 7 năm 1983 ( tức ngày mùng 4 tháng 6 năm Quý Hợi ).

Cụ Nguyễn Đức Cần đã từ biệt con cháu trở về cõi trường sinh.

Cụ đã về an nghỉ ở một nơi có cánh đồng rộng rãi và không xa Hà Nội.

Hàng ngàn người bệnh đã chịu tang cụ , chít khăn tang trắng trên đầu đến dự lễ truy điệu và đưa cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng tại cánh đồng làng Thanh Mai , huyện Thanh Oai – tỉnh Hà Tây ( cũ ) nơi quê của người con rể thứ hai của cụ.

Từ ngày đó đến nay , đã 26 năm trôi qua , nơi cụ an nghỉ đã trở thành một khuôn viên với những hàng cau tươi tốt . Cụ về an nghỉ giữa đồng quê thanh bình và những người chịu ơn cụ , những người biết đến danh cụ thường vẫn về nơi đây , thắp những nén hương thơm ngát để tưởng nhớ , để tri ân cụ - một con người đã suốt đời vì nước vì dân phục vụ.

Thưa quý vị đại biểu

Cuộc đời cao đẹp và công việc chữa bệnh giúp dân của cụ Nguyễn Đức Cần là cả một câu chuyện dài có thể viết lên hàng trăm trang sách. Nhưng hôm nay tôi xin phép được kết thúc tại đây.

Cuối cùng tôi xin trân trọng cảm ơn Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người đã cho phép tôi được phát biểu trong buổi họp kỷ niệm ngày hôm nay.

Xin gửi tới quý vị đại biểu lời chúc sức khỏe và hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn

Hà Nội, ngày 22/11/2009
Nguyễn Tài Đức


Một số hình ảnh buổi lễ:
Từ bên phải sang : Ông Nguyễn Phúc Giác Hải, tác giả bài viết,
Anh hùng LLVTND Lưu Huy Chao, ông Nguyễn Văn Ảnh



Đại biểu tham dự buổi lễ chụp ảnh lưu niệm
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét