1 tháng 5, 2010

Nguyễn Phúc Giác Hải - Nhà khoa học "lang thang"

Đời người có sự nghiệp, gia đình hạnh phúc là có tất cả. Nhưng, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã mất cả hai điều quý giá ấy. Ông trở thành người trắng tay khi quá đam mê nghiên cứu, lý giải hiện tượng cụ Trưởng Cần chữa bệnh không cần thuốc.

Hiến thân cho những hiện tượng kỳ lạ

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho biết: "Ngày 1/5, với tôi có quá nhiều kỷ niệm. Đúng ngày này, năm 1976 tôi bị buộc ra khỏi biên chế, thành người không nghề nghiệp, phải "viết chui" để sống. Và cũng ngày 1/5 của 15 năm sau, năm 1990 tôi được minh oan và được trở lại làm công chức. Từng ấy thời gian, người công chức bình thường đã nhận được sổ hưu...Đời là vậy đấy, mình vẫn phải sống, đam mê không thể dứt bỏ".

Chợt trôi về dòng ký ức xa xưa, giọng ông trầm xuống khiến người đối diện phải lắng nghe: "Từ ngày tốt nghiệp đại học Sư phạm về dạy ở trường Bổ túc Công - nông, tôi đã ham mê nghiên cứu về những khả năng kỳ diệu của con người, như khả năng ngoại cảm, khả năng chữa bệnh từ xa... Khi được mời về làm việc ở Uỷ ban Khoa học Nhà nước tôi như cá gặp nước. Ngoài công việc ở Viện tôi còn lao vào nghiên cứu các hiện tượng lạ như chữa bệnh không dùng thuốc của cụ Nguyễn Đức Cần (cụ Trưởng Cần) ở Đại Yên (Hà Nội)... Nào ngờ, ngày ấy người ta không tin những gì tôi nghiên cứu là có thật, họ còn cho tôi là lợi dụng khoa học để tuyên truyền mê tín dị đoan và quyết định cho tôi ra ngoài biên chế Nhà nước".

Ngày 1/5/1976, ông được lãnh đạo Uỷ ban Khoa học Nhà nước gọi lên bảo: "Nếu nhận mình sai thì được ở lại Viện còn cứ giữ quan điểm của mình thì sẽ thi hành kỷ luật, ra khỏi Viện". Sau cuộc gặp gỡ ấy, ông giữ nguyên quan điểm nghiên cứu nên phải "về vườn". Vậy là, mức lương thực từ 13,5kg gạo của ông bị hạ xuống còn 11kg! Đây thực sự là một cú sốc lớn không chỉ riêng với bản thân ông mà cả vợ và hai người con của ông cũng lo lắng, hoang mang rất nhiều.

"Thời bao cấp, cái lý lịch và biên chế Nhà nước như là một "chứng chỉ về đạo đức" nên có người gợi ý với tôi rằng: “Muốn giữ được lý lịch trong sạch cho vợ con thì chỉ có con đường tốt nhất là... ra toà ly dị! Và vợ chồng tôi đã làm như vậy!?", ông buồn buồn nhớ lại.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đang trò chuyện với một người có khả năng đặc biệt.
Nào ngờ, cuộc ly hôn giả lại hoá thật. Người vợ không chịu được cảnh có chồng mà cũng như không, thêm vào đó là biết bao sự dò xét của dư luận nếu hai người đã ly hôn vẫn có sự qua lại tình cảm. Chịu không nổi, năm 1977, vợ ông đã vào Nam và kết hôn với một giảng viên một trường đại học... Nhưng sự nhớ nhung chồng con, nỗi đau của cuộc ly hôn giả hoá thật nên bà cũng chỉ sống được với người chồng mới 6 tháng. Thật oan nghiệt "cái lý lịch mất việc Nhà nước" đã là nguyên nhân gây ra, nỗi đau tình cảm của ba người.

Khi còn trong biên chế, cuộc sống vẫn khó khăn, nguồn thu nhập chính của ông là viết báo về lĩnh vực ông say mê, am hiểu về tiềm năng con người để lấy nhuận bút. Ngày ấy, những bài báo ông viết được độc giả đón nhận, nhưng với "án công chức bị loại thải" như thế, không báo nào còn dám đăng bài của ông. Không kiếm tiền bằng ngòi bút được, ông xoay trần ngày luyện thi đại học, đêm tay kìm, tay búa làm đồ chơi trẻ con bán lấy tiền độ nhật và đóng góp nuôi con.

Đến bây giờ ông còn hóm hỉnh đọc thơ về cái thời đen tối của mình:

"Cũng kìm cũng búa cũng như ai
 Khoa học đem ra chế đồ chơi
Con trẻ phen này đà thích thú
Giáo dục mầm non hẳn kịp thời".

Còn nói về luyện thi "chui", viết sách "Lịch thế kỷ 20 thu gọn" phải dùng tên người khác và "gà trống" nuôi con. Ông có thơ tự trào:

"Nhà nước phong người chức giáo sư
Còn ta há chịu kém người ư?
Luyện thi mấy trẻ ta là giáo
Không vợ 10 năm hẳn gần sư..."

Nhà khoa học "lang thang"

"Một hạt giống gieo xuống có thể nó không mọc thành cây nhưng anh không gieo thì không bao giờ có hy vọng" - Nguyễn Phúc Giác Hải nhắc lại "cái phao" mà trong những ngày khốn khó nhất của án "chăn dê" ông bấu víu vào nó.

Không có tiền mua sách, tài liệu để tự nghiên cứu thì ông tìm đến hàng đồng nát. Rồi tình cờ một lần ông đọc trong tờ Tuần tin tức Mat-xcơ-va (Les Nouvelles de Moscow) có đăng tin về Cuộc thi Tìm hiểu về nước Nga. Khi đến tay ông kỳ thi chỉ còn hạn 15 ngày và 6 trong 8 câu hỏi đã được đăng tải. Đó là năm 1983, ông vừa tìm tiếp các câu hỏi còn lại và vừa ngồi gõ thẳng bằng tiếng Pháp bài dự thi vào chiếc máy chữ cũ kỹ...

Ngày 7/11/1983 ông đang lang thang ở hàng sách cũ thì nghe thấy tiếng một người bạn: Hải ơi! Cậu được giải của Liên Xô rồi!

Lần ấy ông đã vượt qua thí sinh của 94 nước tham dự cuộc thi và giành giải Nhất. Ông vinh dự được mời sang thăm nước Nga. Chuyến đi ngắn ngủi ấy ông đã mang những bông sen tươi thắm sang viếng người sáng lập ra liên bang Xô - Viết, để lại ấn tượng tốt đẹp về con người và đất nước Việt Nam trong lòng người dân Xô - Viết...

Trong hành trình của cuộc viếng thăm ông đã đến Trường Đại học tổng hợp Lomonoxop, ở đó ông gặp lại những người bạn cùng làm ở Viện Khoa học Việt Nam ngày nào, nay đang làm luận án tiến sĩ... Họ bảo với ông rằng: "Nếu anh còn ở trong biên chế thì bây giờ cũng đi làm tiến sĩ như chúng tôi..."

Từ lưu bút của Nguyễn Phúc Giác Hải ở Nghĩa trang các liệt sĩ vô danh, ông lại "chiến thắng" trong Kỳ thi nhân ngày kỷ niệm 40 năm chiến thắng phát xít của Đài PT&TH TASKEN. Lần ấy bài của ông với nhan đề "Tasken qua các đại bách khoa toàn thư trên thế giới" lại giành giải Nhất.

Năm1985, ông lại được mời sang thăm nước Nga và phát biểu trên truyền hình. Dòng lưu bút "Nhân danh sự sống trên trái đất" của ông ngày nào tại nghĩa trang các liệt sĩ vô danh, được lấy làm tít cho các bài báo xuất bản ở Nga bằng nhiều thứ tiếng...

Những con số kỳ lạ

Khi được một phóng viên hỏi về những con số kỳ lạ trong cuộc đời của mình, ông trả lời:

"Tôi rất tin. Tôi muốn nói về một sự trùng hợp kỳ lạ đã dẫn tôi đến lý thuyết “mã số vũ trụ”. Ngày vợ tôi ra đi, bốn thành viên gia đình chúng tôi, hai vợ chồng hai đứa con, cùng ký vào 4 quyển lịch túi của báo Nhân dân vào đúng ô có ngày chia tay. Đó là ngày 16-01-1977 (ngày 27 tháng Một, năm Đinh Tỵ). Ngày đi ấy là ngày của đoàn, không do vợ tôi quyết định, nhưng trùng vào ngày cưới của chúng tôi. Khi để ý, tôi thấy rằng đó cũng là ngày âm lịch của ngày cưới 19 năm trước của chúng tôi, ngày 16-01-1958: ngày 27 tháng Một, năm Đinh Dậu.

Về sau, khi biên soạn cuốn Lịch thế kỷ (Nxb Văn hoá, 1982) tôi phát hiện chu kỳ 19 năm này chính là chu kỳ METON do nhà thiên văn Hy Lạp METON phát hiện cách đây hơn 2.500 năm. Chu kỳ này được các nhà thiên văn lịch pháp Trung Quốc sử dụng làm chu kỳ nhuận cho âm - dương lịch: Thập cửu niên, thất nhuận (19 năm có 7 tháng nhuận). Tôi suy ra rằng để có sự trùng nhau về âm và dương lịch sau 19 năm thì các thiên thể Mặt trời - Mặt trăng - Trái đất phải có cùng một vị trí trên bầu trời sau 19 năm. Và như thế nếu 19 năm trước có một nhật thực thì 19 năm sau cũng có một nhật thực. Và quả đúng các sự kiện đã diễn ra như vậy sau một loạt chu kỳ 19 năm rồi mới chuyển. Phát hiện này được báo cáo trong Hội nghị nhật thực toàn phần cuối cùng thế kỷ XX ở nước ta ngày 24/10/1995 tại TP. Hồ Chí Minh. Nói cách khác nếu bạn nào kỷ niệm sinh nhật vào lúc 19 tuổi, hoặc một bội số của 19, bạn đó sẽ kỷ niệm đồng thời cả ngày sinh dương lịch và âm lịch cùng một lúc.

Chính phát hiện này đã dẫn tôi vào Thiên văn học và tôi đã phát hiện hàng loạt những con số trùng hợp khác trong vũ trụ. Hàng chục các hằng số vũ trụ như hằng số Planck, hằng số hấp dẫn, hằng số ánh sáng, các hằng số không thứ nguyên như hằng số cấu trúc tinh tế a = 1/137, tỉ số khối lượng eletron/ protron = 1/1836, độ không tuyệt đối - 273oc, gia tốc trọng trường của trái đất g = 981cm/s2… đều là sự tổ hợp của một số con số cơ bản. Tôi đã có dịp giới thiệu sơ bộ lý thuyết con số này trong cuốn “Từ nguyên tử đến con người” (Nguyễn Phúc Giác Hải - Nxb Giáo dục, 1994) và ở một số bài báo khác.

Không phải ngẫu nhiên mà con người chúng ta có 23 nhiễm sắc thể trong tế bào sinh dục. Cũng không phải ngẫu nhiên 1 năm có 365 ngày và nguyên tử tự nhiên nặng nhất là Uranium có khối lượng nguyên tử là 238... Những con số vũ trụ, theo phát hiện của tôi, đều là nghiệm của những phương trình số học đặc biệt. Còn con người có “số” hay không, thì tôi muốn nói thêm về một sự trùng hợp khác: tôi bị buộc ra khỏi biên chế Viện khoa học Việt Nam ngày 1-5-1976 thì sau đó 14 năm tròn, ngày 1-5-1990 tôi lại được mời trở lại công tác và được nghiên cứu chính vấn đề mà vì nó tôi đã phải ra khỏi Viện. Như vậy nếu không có những bất hạnh, có lẽ tôi đã không có “lý thuyết về con số” , không có những nghiên cứu về Thiên văn, về Kinh Dịch, về dự báo và tiên tri, không có những nghiên cứu về Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và do đó đã không phát hiện ra về nguồn gốc hai chữ “Việt Nam”, tên gọi tổ quốc ta hiện nay…

Hành trình đi tìm tên nước Việt Nam

"Đã từ lâu trong sách giáo khoa của ta không hề nhắc gì đến sự ra đời của quốc hiệu Việt Nam". Tên Việt Nam có từ bao giờ? Trong khi đó "Đại bách khoa toàn thư Anh" (Encyclopaedia Britannica, 1992 đã viết như sau: "Năm 1802, một triều đại mới đã hình thành ở Việt Nam (Đại Việt), do Nguyễn Phúc Ánh, một thành viên của hoàng tộc nhà Nguyễn ở Huế. Ông đã xoá bỏ được nhà Tây Sơn và thống nhất được đất nước. Nhà Thanh lúc bấy giờ là thời của Gia Khánh Hoàng đế, đã nhìn nhận vấn đề này như một việc đã rồi, nhưng một cuộc tranh cãi đã nảy ra về tên gọi của đất nước mới này. Nguyễn Phúc Ánh đề nghị gọi tên là Nam Việt, nhưng nhà Thanh đã đảo ngược hai chữ và đề nghị là Việt Nam. Cuối cùng hai bên đã nhất trí và Nguyễn Phúc Ánh trở thành vua của Việt Nam". Một số sử liệu khác cũng nói vậy.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (người đội mũ) bên tấm bia cổ có tên nước Việt Nam.
Một lần, khi nghiên cứu các tư liệu về nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi thấy hai chữ Việt Nam đã có trong tư liệu này. Điều đó làm tôi băn khoăn: Liệu Đại bách khoa toàn thư Anh và các sử liệu khác ghi như vậy có đúng không? Đó chính là lý do để tôi từ năm 1991 là một người "ngoại đạo" "nhảy sang" nghiên cứu lịch sử".

Với sự nghi ngờ của người nghiên cứu khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải đã lặn lội khắp trong Nam Ngoài Bắc để tìm những cứ liệu lịch sử. Điều ông rất tâm đắc là tới nay ông đã tìm thấy trên những bia đá có khắc hai chữ Việt Nam trước năm 1802. Đó là những tấm bia ở Chùa Bảo Lâm (1559); Chùa Phúc Thánh (1604); Thuỷ Môn Đình (1670)... Những cứ liệu này vô cùng quan trọng để tìm ra nguồn gốc tên gọi Việt Nam có từ bao giờ và ai đặt tên? Đây là cả một vấn đề lớn của lịch sử.

Niềm đam mê không phải là tội lỗi

Ông vẫn khẳng định, niềm đam mê của mình không phải là tội lỗi. Ông mang trong mình một niềm tin mãnh liệt sẽ đến ngày bản thân được minh oan. 15 năm đằng đẵng, năm nào ông cũng đâm đơn khiếu nại gửi các cấp có thẩm quyền nhưng đều bặt vô âm tín. Mái tóc của nhà giáo, nhà khoa học ngày càng thưa, càng bạc. Vầng trán rộng của ông ngày càng hằn thêm những vết nhăn...

15 năm với ông thật là dài, nó trôi đi nặng nề khi nỗi oan của ông chưa được cởi bỏ. Thật vậy "Một hạt giống gieo xuống có thể nó không mọc thành cây nhưng anh không gieo thì không bao giờ có hy vọng", và rồi cuối cùng cái ngày ấy cũng đến, năm 1990 "cái cây ấy đã vươn lên tươi tốt", đó là cách nói ví von của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải. "Đơn khiếu nại của tôi đã đến được tay Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và tôi được phục hồi về nghiên cứu khoa học ở Viện".

Nguyễn Phúc Giác Hải vui vẻ kể lại: "Trong cuộc điều đình để tôi lại được làm việc ở Viện, tôi vô cùng cảm động vì cuối cùng công việc nghiên cứu về tiềm năng con người của tôi đã không vô ích và có người hiểu. Điều ấy là quan trọng nhất!"  Tôi nhớ, ngày ấy Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu nói: "Nếu có một trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người thì người đầu tiên tôi mời tham gia nghiên cứu là Nguyễn Phúc Giác Hải! Tôi đứng bật dậy phát biểu: "Tôi vô cùng sung sướng được tham gia cùng các đồng chí... Và mọi người không ai đặt ra một điều kiện gì về án kỷ luật 15 năm của tôi!". Ông trầm tư, giọng nói triết lý, như một lần nữa khẳng định với chính bản thân mình: "Người ta sống ở trên đời là phải có niềm tin cho dù ngày hôm nay có đen tối với cá nhân anh như thế nào đi chăng nữa. Làm khoa học thì càng phải có bản lĩnh"!

Bất kỳ nghi vấn “Lạ” nào cũng cần khoa học giải thích

Ông được làm công việc mà vì quá đam mê đã lấy đi của nhà khoa học tất cả sự nghiệp, hạnh phúc. Mặc dù vậy, ông cũng chẳng oán thán, than phiền. Ông sẵn sàng bỏ tiền túi lao vào những công trình nghiên cứu. Bất luận nó là vấn đề to hay nhỏ, đã trở thành nghi vấn của nhà khoa học là ông cố tìm cho ra lời giải đáp. Vì sự đam mê, ông đã từng vượt qua nhiều người dự thi để đoạt giải nhất cuộc thi viết về nước Nga. Ông tự bỏ tiền, đi sang Pháp, lục tung các thư viện để tìm cho được gốc tích của hai chữ Việt Nam mà ông nghi ngờ nó đã từng được Nhà Nguyễn gọi tên nước trước đây. Và cũng trong cuộc đi ấy, ông đã chụp lại được bức ảnh quý, tượng Nữ thần tự do đặt ở Hồ Gươm...

Cho đến bây giờ, dù đã gần 80 tuổi, nhưng nhà khoa học ấy vẫn miệt mài với công việc. Ông làm công tác thông tin dự báo của Viện Nghiên cứu tiềm năng con người, và thực sự trở thành chiếc cầu nối những câu chuyện lạ. Nhiều người trên cả nước đều biết tiếng ông nên có chuyện gì lạ ở đâu người ta cũng gửi email, gọi điện cung cấp thông tin hay nhờ ông giải thích. Ông xem đó là niềm vui của mình. Và cứ có chuyện lạ ở đâu, ai đó có khả năng đặc biệt, ông nhấp nhổm tìm mọi cách để tiếp cận, xác minh, nhìn nhận, giải thích dưới góc độ khoa học. Có những chuyện ông chưa giải thích được như cây bồ đề mọc trên một ngôi mộ phát ánh sáng, có tiếng chuông khi gõ vào thân khiến ông trăn trở nhiều lắm. Ông khất nợ phóng viên, "khi nào tôi giải thích được sẽ cung cấp cho phóng viên viết bài. Tôi còn phải đi lại nơi có cây bồ đề này nữa để tìm hiểu rõ ngọn ngành". Vậy là, bỏ quên tuổi tác, đời ông  vẫn cứ là... những chuyến đi dài.            

Nghe sóng sông Hồng, mơ sóng khoa học
Sau những chuyến đi thu thập cứ liệu, ông lại về sống âm thầm lẻ bóng bầu bạn với sách vở trong căn nhà ngoài đê sát mép sông Hồng, ở đường Bạch Đằng, Hà Nội. Ông thường nói đùa với bạn bè "ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó...". Đó là căn nhà nhỏ chỉ khoảng trên dưới 10m2, sóng điện thoại cũng phập phù, nhưng ở đây ông có thể nghe tiếng sóng sông Hồng miệt mài vỗ bờ. "Đời người cũng như con sóng, lớp trước tiếp lớp sau. Ông mong, sau những lớp nghiên cứu tiềm năng con người nhiệt tình, say mê đã có tuổi như ông lại xuất hiện những cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ. Và những hiện tượng huyền bí mà khoa học chưa lý giải được thì bằng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm, sẽ có người tiếp cận sự thật, tìm ra cách lý giải được số đông chấp nhận". 

Minh Khánh - Minh Thụy

Bài viết tổng hợp từ 2 nguồn: Nguoiduatin.vn, Vietnamnet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét