20 tháng 5, 2010

Lần đầu phỏng vấn cụ Nguyễn Đức Cần

Cụ đang tiếp chuyện bệnh nhân, người mặc áo trắng là ông Nguyễn Phúc Giác Hải
Trong gần 40 năm làm báo, tôi đã phỏng vấn nhiều nhân vật trong và ngoài nước, nhưng cuộc phỏng vấn cụ Nguyễn Đức Cần 17 năm về trước đã để lại trong tôi một dấu ấn sâu đậm nhất. Đến tận nay, tôi vẫn giữ ba cuộn băng ghi âm cuộc phỏng vấn ấy như giữ một kỷ vật vô giá trong đời làm báo của mình.
Sáng ngày 17 tháng 6 năm 1982, trong dịp ra Hà Nội công tác,tôi đã đến thăm cụ Nguyễn Đức Cần ở làng Đại Yên,quận Ba Đình và xin phép cụ cho được phỏng vấn trực tiếp về phương pháp chữa bệnh đặc biệt không dùng thuốc của cụ,mà tôi cũng như nhiều người khác ở trong Nam, ngoài Bắc đã được nghe nói từ lâu.

Bước vào căn nhà của cụ,một căn nhà ở ngoại vi Hà Nội mang nhiều dáng dấp thôn quê Việt Nam quen thuộc,một cảnh đập ngay vào mắt tôi là có nhiều bát bình hương để ngoài sân. Điều này làm cho tôi cảm thấy rất lạ và tôi muốn mở đầu cuộc phỏng vấn bằng cách hỏi cụ về các bát bình hương đó.

-Thưa cụ, xin cụ cho con được hỏi tại sao cụ lại đưa các bát bình hương ra ngoài sân? Và tại sao trong khi đó người ta lại bảo cụ là người mê tín dị đoan ?

-Tôi xin nói thế này. Không phải bây giờ tôi mới bỏ bát hương, tôi bỏ từ xưa, mấy chục năm rồi chứ không phải bây giờ. Nghĩa là ốm là phải chữa bệnh, một mặt tôi bỏ mê tín dị đoan, trong khi đó chính những kẻ mê tín dị đoan lại đả kích tôi,họ là số đông...

-Thưa cụ,các bát bình hương này là của bệnh nhân ?

-Đúng, của các điện thờ đấy.

-Chính những người thờ cúng ấy đã được cụ chữa bệnh?

-Vâng, bây giờ khỏi rồi thì người ta mang lên,người ta biết nghe lời tôi, ốm là phải đi chữa bệnh chứ không phải cúng thờ hàng năm, tốn phí biết bao nhiêu tiền.

-Có trường hợp nào gần đây nhất, bệnh nhân cúng bái rất nhiều nhưng được cụ chữa khỏi, đã bỏ bát bình hương?

-Kể thì nhiều có lắm. Chẳng hạn như bà này đây.

Cụ đưa cho tôi xem cuốn sổ ghi cảm tưởng của gia đình bệnh nhân bị ung thư lưỡi đã được cụ chữa khỏi,xem lướt qua tôi thấy có hai ảnh chụp điện thờ cùng bát bình hương trong nhà và ngoài trời. Sau khi được cụ chữa khỏi,gia đình bệnh nhân đã bỏ điện thờ này. Tôi lại hỏi cụ:

-Trong phương pháp chữa bệnh của cụ, cụ hay nhấn mạnh về đức của người bệnh. Nhân đây, cụ có thể nói rõ hơn về vấn đề này không ạ?

- Đức là gốc của con người. Nếu anh sửa được thì dù anh nghèo anh cũng không khổ. Giàu mà cái gốc không còn, đức hết anh khổ cũng là tại anh.

Điều cụ nói, tôi thấy ngay bằng chứng trong sổ ghi cảm tưởng của gia dình bệnh nhân: ”Cụ dạy ở đây không có cúng lễ gì cả,nếu hiểu và biết sửa mình, ăn ở đối xử cho đúng nghĩa thì mọi việc đều tốt cả, khỏi hay không là ở mình, tôi không có thuốc thang gì cả, cứ biết tu sửa mình, ăn ở cho có đạo đức là được, tốt đẹp hay không là ở mình.

Để hiểu rõ hơn về cách chữa bệnh của cụ, tôi hỏi tiếp:

-Cụ cho con hỏi thêm về cách chữa bệnh,gần đây con nghe nói về phương pháp chữa bệnh bằng trường sinh học, ở trong nam có người chữa bệnh không dùng thuốc nhưng phải gặp trực tiếp bệnh nhân và phải dùng bàn tay tác động.

-Cách chữa của tôi không học một trường nào cả. Từ khi còn ít tuổi, tôi đã phải bỏ nhà ra đi, mặc dù nhà rất giàu có. Tôi phải chịu khổ lên rừng mà học mới có thầy dạy, phải học khó lắm.

-Con nghe nói cụ chữa bệnh từ xa?
-Vâng, tôi có chữa bệnh từ xa. Đây, thư của các cháu đây.

-Vậy, thưa cụ,có khoảng cách giới hạn không?
-Không, tôi chữa bệnh ở tận Canada, Tiệp Khắc, Đức...

-Thế người bệnh liên lạc với cụ thông qua con đường nào?
-Bằng thư từ.

-Bệnh nhân ở Canada mắc bệnh gì, thưa cụ?
-Họ viết về đây bảo đau đầu. Tôi trả lời: ”Sẽ khỏi”. Thế là bên đó người ta khỏi.

-Con nghe nói trước đây gia đinh cụ cũng tham gia cách mạng?

-Ông nội tôi xưa chết vì Pháp, bố tôi lúc tôi làm việc ở Thái Nguyên cũng bị Pháp bắn chết. Năm 1945, tôi có hoạt động trong thành Hà Nội, tôi ở trong đại đội Lam Sơn đầu tiên.

Phỏng vấn bệnh nhân

Sau dó tôi xin phép cụ phỏng vấn các bệnh nhân có mặt ở nhà cụ.

-Xin anh cho biết quý danh, địa chỉ?

-Tôi là Vũ Như Lộc ở số nhà 33 phố Trương Hán Siêu, Hà Nội.Tôi là bệnh nhân lâu năm của cụ, tôi đã lên cụ 13,14 năm nay rồi. Tại sao tôi lên cụ? Vì vợ tôi bị tâm thần từ năm 1958 dến năm 1960 được bác sỹ Đặng Văn Chung chữa trị không khỏi, phải bán cả nhà đi. Có người mách phải ra đồng,ra đồng thật tốn kém,nhưng vợ tôi đỡ hơn,nhưng được một thời gian, bệnh lại tái phát.Lên cụ, cụ cho giải đồng, chỉ sau một thời gian ngắn vợ tôi ổn định. Đến năm 1974 được tin con hy sinh ở miền nam thì lại bị bệnh.Tôi đưa vợ lên cụ chữa tiếp,bây giờ đã bình thường.

-Bản thân anh có được cụ chữa trị không?

-Tôi bị thấp khớp,sưng tay cụ đều chữa cho, từ hồi lên cụ, tôi hoàn toàn bỏ thuốc chữa bệnh. Có bệnh rất kỳ lạ là cụ hẹn giờ cho khỏi. Tôi bị viêm bàng quang, mỗi khi đi tiểu là buốt vô cùng và chỉ dám mặc quần đùi thôi.Tôi lên cụ, cụ hẹn 7giờ tối mai sẽ khỏi, thì đúng 7giờ tối hôm sau tôi đi tiểu, một viên sỏi to như hạt ngô bắn ra và tôi khỏi luôn bệnh viêm bàng quang. Con dâu tôi đẻ ở viện C, bị sót rau máu ra nhiều và sốt nhưng tôi không cho cháu nạo. Tôi lên cụ, cụ cho mảnh giấy đề chữ sót rau, thế là hôm sau cháu khỏi. Cháu nội tôi bị chàm, cụ cho miếng giấy đặt lên trán,thế là khỏi. Đúng là một sự kỳ lạ.

-Tờ giấy đó có người cho rằng đó là một thứ bùa, theo anh, anh thấy tác dụng như thế nào?

-Tờ giấy đó không phải bùa phép gì đâu, với nhiều người cụ chỉ nói một câu về nhà là khỏi bệnh, như vợ đại sứ Nguyễn Tiến Thông là chị Sâm, 9 tháng trời ở Tiệp Khắc chị bị mất ngủ. Chị ấy lên cụ và nói: ”9 tháng nay con không biết giấc ngủ là gì,hoàn toàn ngủ là do thuốc.”. Cụ bảo: ”À, nếu vậy tôi sẽ chữa cho bà biết là Việt Nam còn giỏi hơn cả Tiệp Khắc.Tối nay tôi sẽ cho bà ngủ.” Đến 7giờ tối hôm đó, chị ngáp lên ngáp xuống rồi lên giường ngủ một lèo tới sáng. Chị nói ba năm nay tôi không có một giấc ngủ ngon như vậy.Có thư cảm ơn của gia đình chị Sâm đây.

-Anh có thể kể một số trường hợp cụ chữa mà anh biết được không?

-Làm sao mà kể cho hết, vì có rất nhiều,nhìn những bọc thư cảm ơn kia thì anh biết. Tôi kể một trường hợp điển hình là trung tướng Phạm Kiệt bị ung thư ruột đã được mổ ở Đức, họ bảo là không sống quá tháng 5-1974. Anh Phạm Kiệt nhờ tôi đưa lên cụ. Cụ bảo không chữa được nữa, nhưng mỗi khi lên cụ về anh nói là cảm thấy khoẻ hơn và vết thương không ra mủ máu. Anh xin cụ kéo dài thời gian ra cho anh, vì anh cần có việc phải giải quyết.Cụ nhận lời và đến cuối năm anh mới mất, tức là kéo dài thêm được 7 tháng. Đây là thư cảm ơn của anh Phạm Kiệt.

Tôi xin phép hỏi thêm cụ.

-Thưa cụ, trong thời gian gần đây các bệnh nhân đến thì cụ giải quyết như thế nào?

- Theo tôi ở đây có người đã hai, ba mưoi năm. Các bệnh nhân đến thì tôi làm cho ngưòi ta mạnh khoẻ để làm việc lao động. Tôi làm theo lẽ phải ,vì dân.

Cuối cuộc phỏng vấn, cụ Nguyễn Đức Cần nói: ”Tôi chữa bệnh không lấy tiền ,như vậy tôi đã làm lợi cho dân. Đó là điều làm tôi sung sướng. Tôi chỉ muốn mọi người đều có cơm no, áo ấm,không bị ốm đau, thế thôi.”

Người thực hiện phỏng vấn
Minh Đăng Khánh


(ông Minh Đăng Khánh sinh năm 1941; đã có gần 100 đầu sách dịch và biên soạn từ tiếng Nga, Pháp và Tây Ban Nha, trong đó nổi tiếng nhất là tác phẩm dành cho thiếu nhi Ông già Khốt-ta-bít; ông mất tháng 7/2011 tại TP.HCM)

Xem thêm bài viết về nhà báo Minh Đăng Khánh đăng trên báo SGGP: Nhớ thầy Minh Đăng Khánh, hoặc bài: Minh Đăng Khánh - Người được lựa chọn và chọn lựa, cũng đăng trên báo SGGP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét