20 tháng 5, 2012

Câu chuyện đinh bù loong - hay - Sự kiện ngày 19-5-1974

Lời dẫn: Trong cuộc đời của cụ Nguyễn Đức Cần, cụ đã cứu chữa cho biết bao người bệnh, nhưng cụ cũng đã phải chịu bao đau khổ, cay đắng, có những lúc phải bỏ nhà ra đi… Chúng tôi xin trích dẫn một số tư liệu sau đây:

Ngày 18 tháng 5 năm 1974, Sở Y tế Hà Nội đã ra thông báo về việc chữa bệnh của cụ và cho rằng phương pháp chữa bệnh của cụ là lừa bịp, mê tín dị đoan.Sở Y tế quyết định đình chỉ việc chữa bệnh của cụ.

Ngày 19 tháng 5 năm 1974 đã xảy ra một sự kiện: Một người bệnh đã bị chết trước cổng nhà cụ (số nhà 86 làng Đại Yên _ Hà Nôi)

Để tìm hiểu thêm sự kiện này, vào ngày 19 tháng 5 năm 1994, chúng tôi đã đến làng Đại Yên-Hà Nội, tìm gặp chị Nguyễn Thị Lê-con gái út của cụ,người đã có mặt và chứng kiến đầy đủ sự việc này.


-Thưa chị, cách đây 20 năm,vào ngày 19 tháng 5 năm 1974, tại đây có xảy ra một sự việc nghiêm trọng.Vậy hôm đó có những ai ở trong nhà ta?

-Hôm đó, ở trong nhà có tôi,bà cụ (vợ cụ Cần),bà Tít ,bà Năm Đo, chú Bộ (những người thân, họ hàng của cụ).

-Thưa chị, hôm đó cụ Cần có ở nhà hay không?

-Ông cụ đã đi chơi trước đó độ 3-4 hôm.Hôm trước tôi đang làm việc tại Đài phát thanh Hà Nội,thì nghe thông báo của Sở Y tế Hà Nội nói về cụ,thì tôi xin nghỉ phép về nghỉ ở nhà.

-Thưa chị, gia đình có biết trước sự việc này hay không?

-Trước khi đi chơi, cụ tôi có dặn là không tiếp khách,không mở cửa cho bất kỳ ai vào nhà.”Nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Cũng trong tối hôm trước đó, ông Hoàng Phương (một nhà khoa học lúc đó đang nghiên cứu về Cụ) không vào được trong nhà, đã đi nhờ nhà hàng xóm phía sau, trèo lên cây ổi chỗ bể nước sau nhà,gọi với tôi và dặn:” Gia đình cẩn thận,ngày mai bên y tế,sẽ bố trí đưa người bệnh đến,gây cho cụ khó khăn,có thể bắt cụ đi”.

-Thưa chị, ngày 19 tháng 5-1974, theo âm lịch là ngày 28 tháng 4, vậy đó là giỗ của ai trong gia đình?

-Ngày 28 tháng 4 âm lịch là ngày giỗ của bà nội tôi (tức ngày giỗ mẹ của cụ Cần).

-Thưa chị, họ đưa người bệnh đến lúc nào?

-Khoảng 9-10 giờ sáng,họ đưa một người bệnh, có một người chị và cô em bị bệnh bị sơ gan cổ chướng ,bụng rất to nằm ngay ở cổng nhà.Nhưng nhà đóng cổng,họ biết tên tôi,họ gọi: ”cô Lê ơi! cô Lê ơi”.
Tôi không dám mở cửa,tôi ra mấy chục lần,vẫn thấy người đó nằm,tôi rất thương.

Người bệnh đó nằm từ sáng đến khoảng 10 giờ đêm thì chết.Lúc đó bên ngoài , công an trèo lên tường gọi,rồi họ đập cửa.Họ doạ nếu tôi không mở cổng thì họ sẽ nói với cơ quan cho tôi nghỉ việc. Nhưng tôi vẫn không mở cổng.Sau thì chú Bộ -một người trong nhà, thấy tình hình căng thẳng quá, phải ra mở cổng.

Khi cổng mở họ khiêng ngay người chết vào trong nhà. Tối hôm đó mất điện, mấy chục người xông vào trong nhà,cầm đèn pin đi sục tìm trên nhà thờ, vào vườn chuối, xuống bếp, ra sau nhà, họ tìm khắp nơi,không thấy ông cụ đâu. Họ hỏi tôi: ông ấy đâu? Tôi trả lời :”Cụ tôi đi vắng mấy ngày nay.” Họ còn truy hỏi là hôm nay giỗ mẹ mà ông ấy không có nhà à?

-Thưa chị, còn người chết họ xử lý như thế nào?

-Lúc đưa người chết vào, nhà tôi có cho một cái chiếu để giải cho người đó nằm. Bên y tế lột hết quần áo người đó ra, rồi khám nghiệm rồi họ đưa người chồng người đó đến. Họ tiến hành phỏng vấn ông chồng là ông đã mang bà ấy đến đây chữa mấy lần? đã chữa được bao nhiêu ngày?..

Ông chồng nói: ”Tôi lên nhưng ông cụ chưa nhận chữa lần nào”. Bà vợ ông này bị bệnh sơ gan cổ chướng,bệnh viện đã trả về, sắp chết. Do vậy, bên y tế liền bố trí lên đây. Ngày hôm ấy nếu ông cụ có nhà,dù có nhận chữa hay không, cũng sẽ bị buộc tội làm chết người,họ sẽ bắt ông cụ ngay.

-Thưa chị, hôm đó họ có làm biên bản không?

-Có.Nhưng tôi nói: "Nếu các đồng chí muốn làm biên bản, phải ghi rõ là người bệnh bị chết ở ngoài phạm vi gia đình nhà tôi và ghi lại lời khai của ông chồng là cụ chưa nhận chữa cho người này”. Rồi họ chụp ảnh và hỏi đủ chuyện : Cụ chữa bệnh nhằm mục đích gì? Chi tiêu lấy tiền ở đâu ra,có thu tiền của bệnh nhân không?Họ doạ tôi,doạ cắt sổ gạo của những người có mặt trong nhà lúc đó… Họ để người chết nằm đó đến 3-4 gìơ sáng mới cho mang đi.

-Thưa chị, những ngày đó ông cụ đi đâu?

-Cụ đi ở nhờ các nhà bệnh nhân,mỗi nhà một ít ngày.Trong khi ở đây nhà cửa vẫn cứ đóng kín mít,bên ngoài thì công an canh gác.Các bà con bệnh nhân đến cổng thì bị đuôỉ đi. Bên trong tôi đứng trên ghế nói với ra:”Cụ cháu đi vắng rồi,các bác cứ đi về đi”.

Nghe tôi trả lời, bà con ra về ai nấy đều lo và thương ông cụ, vừa đi vừa khóc như mưa. Tôi ở trong nhà cũng chảy nước mắt.

-Thưa chị, khoảng bao lâu thì cụ trở về nhà?

-Có lẽ khoảng hơn 1-2 tháng gì đó,thì cụ trở về nhà. Mới trở về hôm trước thì hôm sau công an đã đến kiểm tra hộ khẩu.Thấy ông cụ đã về,họ nói ngọt nhạt:” Ông cứ về đi,không ai làm gì ông đâu”.

-Thưa chị, lúc đó ông cụ có nói gì không?

-Không, ông cụ chỉ ngồi cười.

-Xin cảm ơn chị đã tiếp chuyện hôm nay. Xin chúc chị mạnh khoẻ.

Sau này, khi nhắc lại sự kiện trên, cụ có nói: Nếu không phải là người có Đạo Đức như cụ thì đã bị ăn đinh bù loong rồi.

Nguyễn Tài Đức thực hiện

-------------------------------------------
Tiếp theo: 
Sau sự kiện này, tiếp theo còn một câu chuyện ẩn phía sau bài báo đăng trên Hà Nội Mới, ngày 26-6-2013

1 nhận xét:

  1. Có thể coi cụ là một vị thần nhân giáng sinh để giúp chúng sinh, nhưng cụ cũng không tránh khỏi cảm quan liêu, o ép của chính quyền.
    Không biết bao giờ lại có vị thần như vậy tái sinh tiếp!

    Trả lờiXóa