20 tháng 5, 2012

Nhớ lời thầy dạy

Cụ luôn vui vẻ hòa đồng với mọi người
Hôm nay ngày 23 tháng 12 năm 1997. Chúng tôi có mặt tại số nhà 86 làng Đại Yên-Hà Nội và thật may mắn chúng tôi được gặp chị Phạm Thị Hồng Hà. Chị Hà là một bệnh nhân đã từng một thời được sống gần cụ Nguyễn Đức Cần.
Chúng tôi xin phép được hỏi chuyện chị.

-Xin chào chị, xin chị cho biết quý danh?

-Tôi tên là Phạm Thị Hồng Hà,sinh năm 1943. Gia đình tôi là một gia đình công giáo, trước đây tôi ở phố Khâm Thiên, sau do là gia đình liệt sỹ, nên tôi được cấp nhà tại khu tập thể Kim Giang, nhà E3 số 205.

-Thưa chị, xin chị cho biết, nhân duyên nào mà chị đã đến gặp cụ?

-Vào khoảng năm 1968-1969. Mẹ tôi bị ốm liệt, người bị đau như có hàng nghìn mũi kim châm, hễ giở mình là kêu đau buốt không thể chịu được…

Vào một hôm, có một bà hàng xóm đến chơi và nói với tôi là lên xin cụ chữa bệnh. Bà ta nói: ”Nếu khỏi thì là cái phúc nhà mình, nếu không khỏi thì phải chịu”.

Sáng hôm sau, độ 9 giờ tôi đèo bà ấy lên Đại Yên, để xin cụ,lúc tôi vào nhà,thì cụ đang ngồi tiếp chuyện những bệnh nhân. Tôi ngồi chờ đến khi vãn khách, thì tôi trình bày và xin cụ cứu giúp.

Cụ dạy tôi: ”Thôi đựơc tôi sẽ giúp cô, cho mẹ cô 5 ngày thì đi lại được”. Cụ cho tôi một tờ giấy nhỏ có ghi chữ của cụ và dặn tôi và đặt vào chỗ đau của người bệnh. Về nhà tôi làm theo đúng như lời cụ dặn.

Ngày ấy, lúc mẹ tôi ốm liệt thì bố tôi vẫn còn khoẻ mạnh, nên khi đi ngủ bố tôi nằm cạnh ở bên ngoài trông nom, đỡ đần cho mẹ tôi lúc đêm hôm.lúc muốn dở mình.

Được ba hôm, kể từ ngày tôi lên xin cụ. Sáng sớm mẹ tôi tự trở dậy và đi ra ngoài. Bố tôi đang ngủ, choàng dậy hỏi: ”Bà đi đâu đấy?’ Mẹ tôi trả lời :tôi đi ra ngoài vệ sinh, có làm sao đâu?

Thấy vậy, bố tôi mừng quá gọi cả nhà: ”Các con ơi,mẹ mày dậy đi được rồi ”. Thế là cả nhà các con các cháu đều choàng dậy, ai cũng lấy làm vui mừng khi thấy mẹ tôi đã được cụ cho khỏi bệnh.

-Thưa chị, chị có thấy cụ có phân biệt gì không, giữa đồng bào bên lương bên giáo?

-Tôi thấy trên cụ rất đông người đến xin chữa bệnh, cụ không phân biệt giàu nghèo hoặc theo đạo Phật hay theo công giáo. Nhưng tôi thấy có người thì cụ nhận ngay, có người thì cụ hẹn, bảo cứ về đi.

-Thưa chị, chị thấy trong cuộc sống hàng ngày của cụ có gì đặc biệt không,cụ có căn dặn chị điều gì không?

-Tôi thấy cụ sống rất giản dị, có cái gì cũng nhường lại cho mọi người,trong nhà chỉ thổi một niêu cơm nhỏ,bữa cơm có lúc chỉ có quả cà chan với nước bể (bể nước mưa ở phía sau bếp).. Cụ vẫn thường dạy chúng tôi: ăn ở thật thà, thẳng thắn, làm các điều thiện, còn các điều ác tâm, ai có sui mình cũng không làm, tôi thấy những lời dạy của cụ cũng giống như 10 điều răn trong nhà thờ.

Tôi xin kể cho chú, ngay trong nhà tôi cũng còn có một việc lớn nữa:

Trước đây, nhà tôi có sản xuất, ông bố tôi nấu dầu bóng để quang nón. Một hôm do sơ suất dầu đang nấu thì bùng cháy, bố tôi vội bê cái nồi dầu ra. Lúc đó dầu đang sôi trào ra đổ suốt từ khuỷ tay đến mu bàn tay của bố tôi. Bố tôi kêu lên : “Ối giời ơi!” .Các em tôi chạy ra kêu : “Bố bị bỏng rồi!”. Mọi người thấy cả cánh tay của bố tôi bọc kín một lớp dầu. Tôi thấy vậy, vội lấy xe đạp phóng lên trên cụ. May phúc cho nhà tôi, lúc đó cụ lại có nhà, vì thỉnh thoảng cụ có đi chơi. Cụ dạy: “Không sao, cứ về đi, tôi cho khỏi.”

Khi tôi về đến nhà thì các em tôi nói: “Bố đang ngủ”. Đúng là cụ đã cứu cho, bố tôi không hề bị đau đớn gì cả, mấy ngày sau còn đi xách được nước, cả cánh tay vẫn bọc một lớp dầu bóng như vậy. Đuợc hơn một tháng thì nó tự bong ra, trông như người ta bó bột. Thế rồi bố tôi qua khỏi.

-Thưa chị, chúng tôi được biết, khi cụ còn ở Đại Yên đây, vào dịp Tết đến rất là đông vui. Xin chị cho biết thêm về những ngày Tết ấy?

-Vâng, vào những ngày Tết nguyên đán là ngày Tết của dân tộc, ở đây rất vui.Từ khoảng 25 Tết là người ra người vào tấp nập, lúc nào cũng có mấy chục người lên đây, ai cũng háo hức đuợc lên cụ. Việc nấu cháo đêm 30 Tết và làm cỗ mấy ngày Tết có tôi, chị Chinh, chị Xuân, bà Khôi, cô Ngọc, cô Bình… Ai lên đây tối 30 Tết thì cũng đuợc một bát cháo gọi là xin lộc cụ đầu xuân. Sáng mùng một Tết cũng phải có 15 mâm cỗ, đến sáng ngày mồng hai là Tết thiếu nhi cũng phải có hơn 20 mâm cỗ, các vợ chồng con cái bệnh nhân mang nhau lên đây để xin lộc cụ đầu xuân. Cụ ra đứng ở sân, trìu mến nhìn các con các cháu - những người bệnh ngồi quay kín cả trước sân rộng. Tôi nghĩ là không ở đâu có được khung cảnh đầm ấm, vui tươi trong những ngày xuân như vậy…

-Thưa chị, trước khi cụ đi xa,cụ có dạy điều gì không?

-Bậy giờ nghĩ lại mới thấy cụ có nói rằng: “Ít nữa,thầy sẽ về một nơi có cánh đồng rộng thầy ở.” Lúc đấy nghe vậy, ai cũng xin đi theo.

-Thưa chị, chúng tôi được biết sau khi cụ mất, chị vẫn ở lại đây giúp các công việc trong nhà và chính chị hàng ngày làm cơm, thắp hương cúng cụ cho đến hết 100 ngày. Vậy chị có suy nghĩ gì?

-Lúc cụ mất đi, nhiều người nói cụ chết là hết.Riêng tôi, tôi ở lại đây cơm nước,thắp hương hầu cụ.

-Thưa chị, những năm sau khi cụ mất, khung cảnh ở đây có khác xưa không?

-Có, khác xưa nhiều lắm, tôi thấy buồn nhưng nghĩ sống làm sao cho trọn đạo, tôi nhớ lại lời cụ dạy khi xưa: “Giữ được trước sau như một thì nó bền, con ạ.”

-Xin cảm ơn chị đã tiếp chuyện hôm nay. Xin chúc chị và gia đình mạnh khoẻ.

Người thực hiện
Nguyễn Tài Đức

1 nhận xét:

  1. Chào PKDuong.
    Cảm ơn bạn đã lập lên trang này với nhiều tư liệu sinh động.
    Hiện nay NXB Văn hóa - Thông tin đã tái bản cuốn sách " Nguyễn Đức Cần - Nhà văn hóa tâm linh " lần thứ 4 ( sách dày 450 trang và có bổ xung một số tư liệu ). Nếu có thể bạn cho mình biết địa chỉ để gửi tặng sách. ( vừa qua do sơ ý nên mình bị mất điện thoại di đông, nhưng vẫn xin lại được số máy cũ 0904319120 )
    Thân mến
    Nguyễn Tài Đức

    Trả lờiXóa