20 tháng 5, 2012

Tham luận - Cụ Nguyễn Đức Cần mãi mãi anh linh

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của Giáo sư Vũ Khiêu trong buổi Tọa đàm "Nhà chữa bệnh Nguyễn Đức Cần và những bước đi đầu tiên của khoa học ngoại cảm ở nước ta " ngày 27 tháng 8 năm 2011, tổ chức tại Hội trường Bộ tư lệnh Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh 
tác giả Nguyễn Tài Đức tặng sách cho GS Vũ Khiêu.
Cụ Nguyễn Đức Cần không những để lại những ân tình sâu sắc trong lòng đông đảo bệnh nhân được cụ cứu sống . Quan trọng hơn là Cụ đã để lại cho dân tộc ta sự nhận thức về sức mạnh kỳ lạ của tâm linh. Thành công của Cụ nếu được các nhà khoa học đi sâu tìm hiểu có thể khẳng định tiềm năng vô tận của con người Việt Nam trước mọi sự thử thách của thiên tai địch họa, trước sự khủng hoảng và rối ren của cả xã hội và thiên nhiên trong thời đại ngày nay .



Xã hội loài người là một xã hội kép, một xã hội có thể phân đôi thành hai xã hội cùng tồn tại và tác động qua lại với nhau : một xã hội tâm linh và một xã hội trần thế . Loài người từ xưa hoặc không thấy được hoặc thấy không sâu sắc sự tồn tại song song và mối quan hệ giữa hai xã hội ấy trong tổng thể đời sống của con người . Vấn đề trước hết đặt ra là có sự tồn tại hay không tồn tại một xã hội tâm linh với những quyền lực vô biên, những hiện tượng phong phú và lạ kỳ?.

Có những người đứng trước những hiện tượng lạ kỳ ấy đã không giải thích được sự thần bí của nó và ngày càng bổ sung vào tính chất thần bí ấy những ảo tưởng của chính mình .

Còn có những người nhân danh chủ nghĩa duy vật, đã tầm thường hóa chủ nghĩa duy vật, rồi dựa vào nó để phản bác mọi hiện tượng coi như thần bí ấy và cản đường những ai muốn tìm hiểu tâm linh . Do đó, họ đã bỏ qua và làm lãng phí những tiềm năng vô tận của con người và gạt bỏ những di sản tinh thần vô giá của dân tộc ta .

Những năm cuối của thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học đã dự báo thế kỷ XXI là thế kỷ của tôn giáo . Tôi nghĩ đó chỉ là một sự nhận thức còn hời hợt về vỏ ngoài của xã hội . Theo tôi phải nói : Thế kỷ chúng ta là thế kỷ làm bừng dậy cuộc sống tâm linh, là thế kỷ đang phát hiện và khai thác những tiềm năng vô tận chưa được khai thác ở con người .

Vì những lẽ trên, tôi nhiệt liệt hoan nghênh và cảm ơn Bộ môn Cận tâm lý, Bộ môn Thông tin dự báo, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cùng gia đình tổ chức cuộc tọa đàm về cụ Nguyễn Đức Cần hôm nay .
Đã từ lâu, tôi nghe nói về tài đức của cụ Nguyễn Đức Cần, về những chuyện kỳ lạ trong việc Cụ cứu sống hàng trăm, hàng ngàn những con người đến nhờ Cụ chữa bệnh.

Tôi rất mong được có dịp gặp Cụ thì vừa gặp ngày đại thắng của quân dân ta, ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi được điều động vào Trung ương Cục Miền Nam để phụ trách toàn bộ công tác khoa học tại các vùng vừa được giải phóng. Suốt bao năm trời ở miền Nam nên tôi chưa đạt được ý nguyện gặp cụ Nguyễn Đức Cần . Đến ngày trở ra miền Bắc để công tác tại Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, tôi chưa kịp ghé thăm Cụ thì Cụ đã qua đời vào ngày 13 tháng 7 năm 1983 . Đó là điều ân hận rất lớn của tôi . Sau đó vừa đúng nửa năm, ngày 31 tháng 1 năm 1984, tôi nhận được thư của một đồng chí rất thân thiết của tôi là bác Phan Văn Tỉnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân khu Việt Bắc . Lá thư ấy khiến tôi thêm tin tưởng vào sức mạnh có thực của những hiện tượng tâm linh và càng thấy rõ thêm trách nhiệm của mình .

Thiếu tướng Chu Phác là một người bạn ít tuổi hơn tôi mà tôi rất quý mến . Trước đó, mỗi lần gặp anh, tôi lại phê phán anh dành quá nhiều thời gian đi vào những hiện tượng mê tín . Dần dần, tôi thấy anh làm việc đạt được những kết quả có thể thuyết phục tôi . Tôi đã đến gặp anh để rút lui những lời nhận xét vội vàng của tôi. Tôi đánh giá cao công phu tìm tòi và nghiên cứu của anh. Tôi khuyến khích anh đi sâu vào những việc anh đang làm. Từ đó, tôi càng gắn bó với anh, như hai người bạn cùng chí hướng.

Tôi vẫn thường hay gặp Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải. Tôi thông cảm với mọi nỗi gian nan của anh, rất quý trọng anh, khuyến khích anh về những việc anh đang làm . Những vấn đề đi sâu nghiên cứu của anh ngày càng khiến tôi hiểu anh thêm và thực lòng ủng hộ anh . Với tấm lòng tin cậy anh là một người rất trân trọng những tài liệu lịch sử, tôi đã trao gửi anh lá thư dài của bác Phan Văn Tỉnh gửi cho tôi .Lá thư này đã được anh cho in nguyên văn trên cuốn sách “ Nguyễn Đức Cần- Nhà văn hóa tâm linh ” mà tác giả là hai ông Nguyễn Phúc Giác Hải và Nguyễn Tài Đức .

Giờ đây, tôi phải nói thêm rằng, lá thư mà anh giữ của ông Phan Văn Tỉnh viết cách đây 27 năm có một ý nghĩa rất lớn . Đó là tiếng nói của một nhà Cách mạng lão thành, một cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân khu Việt Bắc bao gồm 18 tỉnh. Lá thư của ông thể hiện một tư tưởng hoàn chỉnh, đánh giá cao mối quan hệ của đời sống tâm linh và đời sống thế tục. Đó là con người có một cái nhìn toàn diện và sáng suốt về đời sống tâm linh và tương lai của nhân loại. Ông là một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng đã sớm nhất đánh giá đúng về tài đức và đóng góp của cụ Nguyễn Đức Cần.
Đối với Giáo sư Hoàng Phương, tôi thực sự tin tưởng và ủng hộ anh .Là Chủ tịch một Hội đồng khoa học để đánh giá về bản thân anh và các công trình nghiên cứu của anh . Tôi đã cùng các nhà khoa học trong hội đồng khẳng định những thành tựu khoa học vô giá của anh. Coi anh là một học giả lớn của đất nước Việt Nam.

Cũng từ những ngày ấy, tôi mong chờ cuộc hội thảo ngày hôm nay và nhiều cuộc hội thảo sau đây nữa không chỉ để đánh giá về cụ Nguyễn Đức Cần mà quan trọng hơn nữa là đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát triển và khai thác những tiềm năng vô tận của con người Việt Nam trong sự nghiệp của đất nước ta ngày nay.
Riêng tôi, đối với cụ Nguyễn Đức Cần, tôi không có duyên may gặp Cụ trong lúc sinh thời của Cụ. Tuy nhiên tôi vẫn cảm giác có một sức mạnh thần bí nào đó đã gắn liền tôi với Cụ . Tôi kém Cụ 7 tuổi, tuy không được gặp Cụ nhưng tôi thường bước theo và thường giẫm lên bước chân của Cụ trên khắp núi rừng Việt Bắc. Những nơi Cụ đi qua đều là những nơi tôi đã đến. Những địa danh Cụ dừng chân đều là những địa danh thân thiết đối với tôi.

Với những tình cảm sâu sắc đối với Cụ, tôi hoan nghênh buổi tọa đàm rất có ý nghĩa này mà các vị đã cùng nhau tổ chức. Vì điều kiện sức khỏe, tôi không thể đến chia sẻ cùng các vị tấm lòng thực sự ngưỡng mộ và quý mến Cụ không chỉ của chúng ta mà của đông đảo nhân dân toàn quốc.

Xin chúc cuộc tọa đàm của chúng ta thành công tốt đẹp

Hà Nội , ngày 27 tháng 8 năm 2011.
\
GS Vũ Khiêu




Giáo sư Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu (sinh 19/9/1916), là một học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).

Xem thêm thông tin về GS Vũ Khiêu trang web của GS: vukhieu.com hoặc tại trang wiki này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét