25 tháng 8, 2013

Tình người

Một chiều, nhà tôi có một người khách đến hỏi mua cuốn sách “ Nguyễn Đức Cần- Nhà văn hóa tâm linh ”. Chúng tôi mời vào nhà và hỏi chuyện. Hai người khách còn trẻ lắm. Tôi muốn hỏi họ mua sách cho ai? Người khách trẻ cho biết, cậu ta là sinh viên, tên là Đào Ngọc Sơn, quê ở xứ Lạng về Hà Nội học. Cậu sinh viên có vẻ ngập ngừng nói rằng : Câu chuyện thì dài lắm ông ạ. (À, thì ra mình cũng đã già rồi, tôi tự nhủ như vậy , chả gì cũng đã 65 tuổi rồi đấy chứ ).

Nghe tôi gặng hỏi, cậu ta kể : Hôm cháu ra siêu thị Big C mua hàng ( xin giới thiệu với các bạn là Siêu thị này tôi thấy toàn thanh niên, sinh viên ra đấy mua hàng nhiều lắm, nên có thể gọi đây là siêu thị Thanh Niên ). Cháu thấy một ông già dảng vẻ khắc khổ ( lại một ông già nữa ) đang ngồi một mình ăn bánh mỳ. Cậu ta thấy rất thương và liền mua chai nước, đến biếu . Trong câu chuyện sau đó, ông già kia nói rằng : Muốn tìm mua cuốn sách viết về cụ Nguyễn Đức Cần, mà không biết mua ở đâu ?


Sau đó thì họ chia tay. Nhưng phải nói rằng thông tin trên Internet trong thế giới ngày nay thật rộng khắp và phong phú vô cùng. Tất nhiên những người trẻ tuổi , họ không còn lạ gì với công cụ tìm kiếm Google. Bạn chỉ cần gõ chữ : cụ Nguyễn Đức Cần thì thấy ra ngay bao nhiêu kết quả muốn tìm. Và vì thế họ tìm đến nhà tôi để mua cuốn sách. Cô gái, đi theo chàng sinh viên hôm ấy hỏi tôi : Cuốn sách này có gì hay hở ông ? Tôi nói rằng : Các cháu phải đọc hết thì mới hiểu được có những điều gì tốt đẹp trong đó.

Khi họ ra về rồi, tôi mới thấy rằng thế hệ trẻ ngày nay, trong họ cũng có nhiều vẻ đẹp tâm hồn đến thế và tôi chợt tiếc rằng đã không tặng cho chàng sinh viên kia cuốn sách mà tôi đã biên soạn. Có những việc rất tốt đẹp mà đôi khi ta đã bỏ lỡ đi như vậy.

Hôm sau, tôi có việc ra phố, khi trở về nhà thì lại có khách đến tìm và lần này là một ông già. Cuộc đời thật lạ lùng, với những duyên kỳ ngộ. Vị khách kể rằng : Ông vừa được một cháu sinh viên quê ở Lạng Sơn tặng cuốn sách “ Nguyễn Đức Cần – Nhà văn hóa tâm linh ”. Ông cho biết tên ông là Hoàng Sử năm nay đã 75 tuổi, hiện ở một mình tại Yên Hòa, Cầu Giấy. Ông kể với chúng tôi về hoàn cảnh của mình. Trước đây ông tham gia trong quân ngũ và bị nhiễm chất độc màu da cam, các bạn chiến đấu của ông lập gia đình, khi có con đều bị dị tật cả. Bởi vậy ông đã chủ động chia tay người vợ, để người phụ nữ đó có thể có một gia đình hạnh phúc khác.

Thế đấy, chiến tranh đã qua đi đã bao nhiêu năm rồi, mà vẫn còn bao người lính già âm thầm hy sinh như vậy. Vị khách nói với chúng tôi rằng : Sau khi đọc bài báo Tuổi trẻ và Đời sống, viết về cụ Nguyễn Đức Cần, ông rất cảm động về tài năng và đạo đức của cụ. Hôm nay ông đến đây mua thêm một cuốn sách nữa để tặng cho một người bạn chiến đấu cũ ở miền nam. Tôi nói rằng : Cuốn sách này xin tặng bác, như một kỷ niệm đẹp đẽ giữa tinh người chúng ta. Người lính già còn nói thêm rằng , trước lúc vào nam thăm người bạn cũ, ông muốn đến thắp nén hương tại nơi an nghỉ của cụ Nguyễn Đức Cần.

Khi chúng tôi chia tay, tôi muốn nói với người lính già rằng : Những người từng trải qua những khổ đau, dù chỉ một lần trong đời, thì người đó sẽ nhận thức rõ nỗi khổ đau của người khác như của chính mình và người ta dể dàng thấy rõ con đường tâm linh của mình sẽ chọn.

Nguyễn Tài Đức

1 nhận xét:

  1. Tôi đang mê mải đọc “ Nguyễn Đức Cần – Nhà văn hóa tâm linh ”. Đây là quyển tôi mượn được. Tôi rất muốn có 1 quyển cho mình và 1 quyển tặng bạn.

    Trả lờiXóa