29 tháng 7, 2011

Cụ như một lão nông hiền hậu

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài tham luận trong buổi Tọa đàm ngày 27/8/2011 của Thiếu tướng-Nhà văn Hồ Phương
Thưa quý đồng chí và quý bạn,

Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương(phải)
Tôi vẫn còn nhớ là vào mùa hè năm ấy, khi cô con gái thứ hai của tôi- cháu Ngọc, mới lên bốn, bỗng nhiên cẳng chân trái cháu bị sưng đỏ và to đùng. Cháu đau khóc suốt, dù cháu là đứa trẻ vốn hết sức ngoan. Chúng tôi đã cho cháu uống đủ các loại thuốc kháng sinh, nhưng bệnh của cháu cũng không hề lui . Đưa đi bệnh viện, người ta bảo có lẽ phải làm phẫu thuật. Thương cháu quá, vợ chồng tôi cứ dùng dằng mãi.

Bỗng nhiên, như có Trời bảo, một vị hàng xóm mách là nghe nói có cụ Trưởng Cần ở Đại Yên, chữa được các bệnh hiểm nghèo…Thế là tôi lấy xe đạp đèo cháu đi ngay. Tôi cũng không khỏi hồi hộp. Thế rồi cha con tôi đã được gặp cụ, đúng lúc khách khứa vừa về hết. Cụ mời tôi cùng ngồi vào chiếc phản ở trong nhà, uống nước, hút thuốc và trò chuyện, còn cháu Ngọc tập tễnh chiếc chân đau chơi ở ngoài sân xem vườn hoa cây cảnh của cụ một cách rất thích thú.



Cụ ngồi đó, ung dung, hiền hậu với bộ tiện y màu nâu giản dị và mái tóc cắt ngắn đã bạc khá nhiều. Phong độ và dáng vẻ ấy đã ngay lập tức chiếm được cảm tình của tôi. Nhưng phải nói tới đôi mắt- Đôi mắt sáng láng lạ lùng của cụ…

Cụ ngồi đấy vừa như một lão nông, vừa như một vị Thiền sư cao minh. Đặc biệt là cụ cởi mở và mến khách, thể hiện ngay trong những câu chuyện cụ chủ động trao đổi về thời tiết, về gạo thóc hồi ấy và về sự xum họp Nam Bắc vừa mới được lập lại…

Dẫu sao, rồi tôi cũng đánh bạo để chủ động thưa cụ về việc đưa cháu bé tới đây. Mỉm cười rất hiền hậu và đầy cảm thông, cụ nhìn ra sân, chỉ tay nói: “Cháu nó đang chơi kia kìa. Nó rất ngoan, đang vui đấy. Cứ để cháu nó chơi nữa đi’’…Tôi lại phải quay về với những câu chuyên giao đãi. Nhưng rồi hẳn quá cảm thông nỗi sốt ruột của tôi, cụ bỗng đột ngột ngắt câu chuyện và nói : “Thôi, chẳng trưa rồi đấy! Hai cha con về đi thôi”.

Tôi không khỏi ngạc nhiên, vì tôi chưa thưa được với cụ điều gì quan trọng về cháu và cụ cũng chưa hỏi qua một lời về bệnh tật của cháu Ngọc, chứ chưa nói tới tận mắt xem xét chỗ đau của cháu…Chừng như hiểu nỗi băn khoăn của tôi, cụ mỉm cười như an ủi: “Đã bảo về đi ! Cứ yên tâm ! Cháu nó sẽ khỏi đấy mà. Vài hôm nữa thôi”. Tôi vẫn bối rối không hiểu ra sao nữa.

Hiểu ý tôi, cụ tươi cười tiếp: “Vậy muốn có thuốc hả ? Thì đây, cầm cái giấy này, về nhà đốt đi”. Nói đoạn cụ lấy ra từ trong chiếc khay một mảnh giấy, trong mảnh giấy đó chỉ có một chữ ký của cụ. Tới lúc đó dẫu vốn là một người kém thông minh, tôi cũng có thể hiểu mang máng được rằng: Mọi việc có lẽ cụ đã giải quyết được rồi. Tôi chỉ còn biết đứng lên gọi con gái vào, và hai cha con cùng cung kính chào cảm ơn cụ. Cụ xoa đầu cháu: “Thôi cháu về nhé, mấy hôm nữa sẽ khỏi đấy ! ”.

Thế là về nhà, tôi đã làm đúng theo lời cụ, đốt mảnh giấy nọ đi…Và quả nhiên, chỉ một tuần sau, cháu hoàn toàn khỏi bệnh. Tôi chỉ còn thiếu reo lên và lại đèo ngay cháu về Đại Yên. Vợ tôi cũng xin đi theo để được yết kiến vị Dị nhân ân đức. Thế là “Zin 3 cầu ” tốc hành phóng cứ như bay…

Câu chuyện thứ hai: Sự kiện ngày 30-4-1974

Tôi được báo đi xem cụ Trưởng Cần chữa cho một phụ nữ bị một bệnh lạ, cả mái tóc bị dính lại như có keo, chải không ra, gỡ cũng không được. Người bảo đó là ma làm, người lại khẳng định đó là quỷ ám…Đã nghe tiếng cụ Trưởng Cần, nên gia đình nọ đã đưa chị lên Đại Yên, đúng dịp các cơ quan chức năng của nhà nước tiến hành quay phim về việc chữa bệnh của cụ.

Lúc đó, tôi thầm lo: Nói dại, hôm nay, không chịu nổi áp lực mà thất bại thì thật tiếc biết bao cho cụ và cho cả nhân dân.

Tuy nhiên, rồi mọi việc đã diễn ra khá xuôn sẻ. Vẫn bộ quần áo nâu cũ bạc, vẫn đôi mắt như Thần, cụ ung dung đến trước người phụ nữ bị kết tóc và cất tiếng nhẹ nhàng, nhưng như truyền lệnh: “Mở ra, hãy mở ra!...” rồi cụ nhắc chị ngồi bên đã cầm sẵn một chiếc lược : “Chải giúp đi ! ..” và cứ như thế nhiều lần, cuối cùng bộ tóc của thiếu phụ đã được gỡ ra và chải dài như xưa…

Như thế đấy, trong cuộc đời này đã có biết bao công việc to lớn nhưng thường cũng chỉ diễn ra rất nhẹ nhàng và giản dị; ngược lại cũng đã có không ít việc ý nghĩa có lẽ không quá một tầm với tay nhưng đã có biết bao cờ rong trống mở…

Sau đó, cụ Trưởng Cần đã trở về với cuộc sống bình thường làm phúc cho dân. Rồi cụ qua đời.. tới nay đã gần 30 năm và bây giờ chúng ta mới có những hoạt động nghiên cứu sâu rộng hơn về cụ. Riêng tôi sau vụ gỡ tóc của cụ năm ấy, tôi lại lao vào văn học. Với tôi, không có gì cuốn hút mãnh liệt bằng văn học, cho nên tôi cũng không may mắn được biết gì thêm nữa về cụ. Đó cũng là một thiệt thòi cho tôi.

Tuy nhiên, trước sau, tôi vẫn vô cùng kính trọng và biết ơn cụ -một Nhà ngoại cảm có tài và có đức lớn lao./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét