14 tháng 3, 2011

Thân thế và cuộc đời (1/18)

Ngõ xưa Đại Yên

“ Ven đô Hà Nội , bên ngàn hoa thắm lừng hương . Đây làng Đại Yên xuất hiện một bậc danh nhân…’’

Làng Đại Yên trước đây là một làng trại thuộc Tổng Nội của kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc phường Ngọc Hà , quận Ba Đình , thành phố Hà Nội.

Về mặt địa lý, phía bắc làng là con đường Hoàng Hoa Thám , nhưng dân làng vẫn quen gọi là đường Thành ( thành Thăng Long ). Phía đông giáp với làng Hữu Tiệp . Phía Tây giáp với làng Liễu Giai và Vĩnh Phúc. Phía nam giáp với con đường Đội Cấn đến chân núi Trúc .

Trước đây, làng có tên là trại Đại Bi , đến khoảng cuối thời hậu Lê, thì đổi tên là trại Đại Yên. Cổng làng Đại Yên được xây dựng từ lâu đời, trông thật bề thế . Vào năm Đinh Tỵ , triều vua Khải Định ,cổng làng được tu tạo lại do công đức của cụ Tổng Nhuận, thân phụ cụ Nguyễn Đức Cần.

Phía trên cổng ghi rõ ba chữ đại tự “ Đại Yên môn”, có lẽ đây là chiếc cổng làng duy nhất còn lại trong vùng Thập tam trại (mười ba làng trại thuộc Tổng Nội ).

Đình Đại Yên nằm ở giữa làng nhìn sang núi Cung và núi Cột Cờ, thờ Ngọc Hoa công chúa. Đó cũng là vị Thành hoàng làng .Theo truyền thuyết : Lý Thường Kiệt được vua nhà Lý cử đi chinh phạt Chiêm Thành , nhân dân quanh vùng kinh thành nô nức tòng quân . Một cô bé mới chín tuổi, người trại Đại Bi ( sau là Đại Yên ) cũng tha thiết xin theo việc quân cho bằng được ,và tự nguyện cải trang làm em bé bán hàng vào trại giặc thám thính, nắm tình hình trại giặc. Nhờ đó quân ta đại thắng, nhưng cô bé đó đã hi sinh.Vua Lý phong cô là Ngọc Hoa công chúa. Lăng mộ cô được đặt ngay ở sau đình làng , được nhân dân đời đời hương khói, thờ phụng. Trong đình có nhiều câu đối ca ngợi công trạng của cô. Hội làng mở vào ngày 14 tháng 3 (âm lịch) hàng năm.

Xưa kia làng Đại Yên có một ngôi chùa trên núi Voi . Vào năm 1892, tên Tây thực dân Pháp là Hommel đã phá ngôi chùa để xây nhà máy bia , dân làng gọi là nhà máy bia Ô- mền.

Người làng Đại Yên ngoài nghề làm ruộng, trồng hoa , còn có nghề trồng cây thuốc nam và đi hái thuốc nam, nhiều gia đình phải lặn lội đi rất xa , lên cả những vùng rừng núi để kiếm thuốc. Có nhiều người chuyên bán thuốc nam ở các chợ trong thành phố.

Dân làng Đại Yên có ít người là ngụ cư, phần lớn người trong làng có quan hệ họ hàng thân thuộc với nhau, do đó họ sống với nhau trong cảnh hòa thuận đoàn kết, tình làng nghĩa xóm .Đó cũng là một nét đẹp văn hóa của làng quê đất Việt .

Làng Đại Yên có nhiều dòng họ lớn : Họ Trương, họ Đỗ, họ Lưu, họ Nguyễn, họ Ngô , họ Trần và họ Hoàng. Riêng họ Hoàng lại có hai dòng là họ Hoàng Văn và họ Hoàng Hữu.Họ nào trong làng cũng có nhà thờ họ. Trong nhà thờ họ Nguyễn còn lưu giữ các văn bia quý giá từ bao đời trước , phía trên nhà thờ tổ có ghi bốn chữ “ Hữu khai tất tiên ” , dịch nghĩa là : Có mở mang hiển đạt là nhờ phúc ấm của tổ tiên.

Theo gia phả dòng họ Nguyễn ( chi thứ hai ), tại làng Đại Yên-Hà Nội , thì thủy tổ phát tích tại xã Mai Viên, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Vị Cao cao cao tổ có sắc phong Đại tướng quân từ đời Lý.Đến khoảng thời hậu Lê, cụ Nguyễn Phúc Xuân dời đến làng Đại Yên , thành cũ Thăng Long, làm được nhiều việc tốt lành, là đời Nhất đại khởi di tổ ( đời tổ thứ nhất tại Đại Yên –Hà Nội ).

Đến triều Vua Tự Đức, cụ Nguyễn Quý Khoan tự Phúc Toàn là đời tổ thứ tư tại nơi đây (Đại Yên).Dân làng thường quen gọi Cụ Toàn là cụ Xã Nhiêu.

Cụ là một nhà nho yêu nước đã mang kinh sách về truyền bá cho dân ở trong vùng thập tam trại.

Vào khoảng đời Vua Duy Tân năm thứ nhất, cụ Nguyễn Phúc Toàn tham gia hoạt động trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục , mang những tư tưởng tiến bộ, động viên dân ta chống các lề thói phong kiến lạc hậu, phát triển nền văn hóa dân tộc , đề cao tinh thần chống thực dân.

Sau khi thực dân Pháp đàn áp phong trào và đóng cửa trường tháng 12 năm 1907, cụ đã cùng một số sỹ phu yêu nước lên Yên Thế, tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp do cụ Đề Thám lãnh đạo. Cụ là người cộng sự đắc lực và là mưu sỹ thứ hai của lãnh tụ Hoàng Hoa Thám.Khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế thất bại năm 1913, cụ Nguyễn Phúc Toàn đã anh dũng hy sinh , gia đình đã lấy ngày 23 tháng 3 âm lịch , là ngày cụ từ biệt nhà ra đi làm ngày giỗ của cụ.

Cụ Nguyễn Phúc Toàn đẹp duyên cùng cụ Hoàng Thị Thêm là một người cùng làng Đại Yên. Hai cụ sinh hạ được bẩy người con, ba gái và bốn trai.

Năm 1883, cụ Thêm sinh người con thứ tư là con trai, đặt tên là Nguyễn Đức Nhuận . Trong gia phả từ những đời trước dòng họ Nguyễn ( chi thứ hai ) thấy ghi chữ đệm là chữ Quý, có đôi ba người lại thấy ghi chữ đệm là chữ Văn .

Khi cụ Thêm sinh người con thứ tư này thì chữ Quý được thay bằng chữ Đức.

Theo gia phả tính đến đời cụ Nguyễn Đức Nhuận , thì là đời tổ thứ năm tại đây ( Đại Yên ).

Cụ Nhuận sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, nhưng có nền nếp. Xưa gọi là con nhà cụ đồ.Từ lúc còn nhỏ cụ đã phải đi chăn trâu cắt cỏ, việc học cũng chỉ hết quyển Tam tự kinh.

Từ năm 17 tuổi, cụ đã đi làm thợ xây.Vốn tính cần cù và có chí, lại thông minh và biết tính toán giỏi như một kỹ sư, chẳng bao lâu cụ đã trở thành một nhà thầu có tiếng ở Hà Thành.

Năm 1922, Cụ Nhuận ra làm phó chánh tổng của Thập tam trại, cũng từ đó dân làng gọi cụ Nguyễn Đức Nhuận là cụ Tổng. Ngoài việc làm nhà thầu xây dựng, cụ còn mở các xưởng gỗ ở phố Quan Thánh, xưởng Thủy tinh ở khu vực Yên Ninh –Hàng Bún.Có lần cụ đã gửi đồ thủy tinh đi dự hội chợ Á Châu tại Phnom Penh và được thưởng Chương Mỹ bội tinh ( giống như Huy chương vàng hội chợ bây giờ ).

Tuy là một người có danh giá và giàu có thời bấy giờ, nhưng cụ thường làm những việc công đức,từ thiện.Khi ở Nam Định bị lũ lụt, dân tình đói khổ, cụ đã giúp đỡ chu cấp gạo tiền, quần áo cho những đồng bào nghèo gặp cảnh thiên tai.

Ngày có nạn đói ở miền bắc năm 1945, gia đình cụ hàng ngày nấu cháo để ở trước cửa nhà, hễ ai đói đi qua thì cho họ một bát, ăn cho đỡ đói lòng.

Cách mạng tháng năm 1945 mới thành công, chính phủ mở đợt quyên góp tuần lễ vàng tại Hà Nội, cụ đã ủng hộ chiếc Chương Mỹ bội tinh đúc bằng vàng cho kháng chiến.

Vào ngày 17 tháng 12 năm 1946 ( 24 tháng 11 năm Bính Tuất), giặc Pháp ở trong thành Hà Nội đem quân ra khu vực phố Hàng Bún-Yên Ninh , vây bắt và giết hại đồng bào , trong đó có xưởng thủy tinh của cụ Nhuận.Sau khi quân giặc rút vào trong thành, gia đình biết tin dữ, vội cho người đi tìm cụ.

Nhưng phố xá chỉ còn vương lại mùi khói súng và tro tàn, không tìm thấy dấu vết gì của cụ.Người ta bảo rằng những người dân lành bị giặc giết hại đều được mang đi chôn cất tập thể tại chỗ gần cửa tòa Hà Nội ( nghĩa trang 19 tháng 12, nay là chợ Âm phủ ).Sau này thành phố Hà Nội đã quy tập số hài cốt đồng bào đó lên nghĩa trang Yên Kỳ tại Bát Bạt, Sơn Tây.

Từ ngày đó về sau, gia đình lấy ngày 24 tháng 11 âm lịch làm ngày giỗ của Cụ Nguyễn Đức Nhuận . Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên,cũng vào ngày đó mười năm về trước là ngày giỗ của cụ Nguyễn Qúy‎ Yêm, một người anh ruột của cụ Tổng Nhuận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét