14 tháng 3, 2011

Thân thế và cuộc đời (6/18)


Đầu năm 1939, có một người quen của cụ, là một nhà thầu lớn, mời cụ trông nom giúp cho một toán thợ . Công việc xây dựng, làm đường buộc họ phải đi đến nhiều nơi, nhưng trọng tâm vẫn ở miền Đông Bắc , suốt một dải từ Hải Phòng cho đến Quảng Ninh .

Cụ đã sống, lao động nhiều năm với những người nông dân lam lũ, bán mặt cho đất bán lưng cho giời và đồng bào dân tộc vùng rẻo cao . Nay lại có dịp sống gần gũi với những người phu hồ, phu lục lộ và anh em phu mỏ .Cuộc sống của họ cũng chẳng khấm khá hơn gì những người làm ruộng .Tai nạn, ốm đau và sức lực của họ bị vắt kiệt trong những công trình , hầm lò sâu thẳm .

Còn những người phu hồ mà cụ trông coi, có lẽ chưa bao giờ trong đời họ lại được gặp một người cai nhân đức như cụ .Cụ thương yêu và cùng sắn tay vào lao động cùng họ , từ sớm tinh mơ cho đến mờ tối . Cũng nhờ cụ mà người chủ thầu đã luôn hoàn thành sớm các công trình và đã rộng lòng trả thêm tiền công cho anh em thợ . Cả hai bên chủ thợ đều thấy mình có lợi, công việc nhanh chóng trôi chảy hơn , vật liệu không bị trộm cắp , hư hao mà người thợ lại được tăng lương, tăng thưởng . Không những thế, cụ còn đứng ra bảo vệ , che chở cho anh em thợ khi họ bị cướp bóc tài sản bởi những toán thổ phỉ .

Tại Thủy Nguyên, khi được biết đến danh cụ . Cả Tẩu , một tay anh chị trong giới giang hồ của vùng Hải Phòng , Quảng Ninh đã tìm tới và đòi tỷ thí với cụ .

Cuộc đấu trí, đấu sức thật quyết liệt, vì cả hai đều có võ nghệ cao cường .

Cuối cùng cụ đã dùng thế võ “ Ngọc hoàn bộ uyên ương cước ’’, quay mình phi chân đá ngã Cả Tẩu , đó là một thế võ tuyệt chiêu mà cụ đã được thầy dạy để hộ thân . Nhưng Cả Tẩu hiểu rõ rằng cú đá đó của cụ đã nương nhẹ đi nhiều .Cả Tẩu và các đàn em vô cùng bái phục và muốn nhường quyền cai quản trong giới giang hồ cho cụ . Nhưng cụ từ chối nói rằng, chỉ ở lại đây làm việc trông coi vài ba tháng rồi lại về làng cũ Đại Yên. Trước khi chia tay , cụ có nói : Mong anh em hãy vì nghĩa khí mà hành động .

Đầu năm 1945 , chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Phát xít Đức đã bị quét sạch khỏi lãnh thổ Liên Xô (cũ).Tại mặt trận Thái Bình Dương , phát xít Nhật cũng rất khốn đốn.Mâu thuẫn đối kháng giữa Nhật và Pháp ở Đông Dương ngày càng gay gắt. Để độc chiếm Đông Dương và trừ nguy cơ bị quân Pháp đánh vào sau lưng, đêm mùng 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đã nổ súng lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương.

Nhân dân ta rên xiết dưới ách thống trị của bọn thực dân , phát xít . Nạn thu thóc , phá màu trồng đay, nạn đói vẫn kéo dài ngày thêm trầm trọng , nào nhà tù , nào trại giam, với biết bao nhục hình…

Vận mệnh của dân tộc ta như ngàn cân đang treo trên sợi tóc .Đúng lúc đó Mặt trận Việt Minh đã ra lời kêu gọi quốc dân : Vai kề vai, không phân biệt trẻ trai hay gái, vác súng gươm, ta đi lên , ta tiến lên tiêu diệt quân thù .Sống trong cao trào cách mạng sục sôi đó , tại ngôi nhà 86 làng Đại Yên – Hà Nội , anh Nguyễn Đức Cần đã mau chóng tập hợp đông đảo quần chúng , những người lao động nghèo khổ , đêm đêm luyện tập quân sự , mua sắm vũ khí , may cờ đỏ sao vàng năm cánh để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa .

Sau này trên bức tường trong ngôi nhà 86 Đại Yên vẫn còn thấy rõ dòng chữ đã ghi ngày ấy : “ Vì Tổ Quốc , quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng ’’.

Ngày mùng 8 tháng 6 năm 1945 ( tức ngày 28 tháng 4 năm Ất Dậu ), một cái tang bất ngờ đã đổ xuống gia đình . Thân mẫu anh Nguyễn Đức Cần – Cụ Hoàng Thị Khế đã qua đời . Cụ nằm đó trên chiếc sập gụ trong nhà , nét mặt thanh thản như đang trong giấc ngủ trưa hè .Cả cuộc đời cụ đã sống vì chồng vì con , Cụ đã sống một cuộc đời chân chính với tất cả tình thương yêu , giản dị của một người mẹ hiền thục.Cụ ra đi trong sự thanh thản vì biết rằng người con trai yêu dấu của mình đã chọn một con đường đi đúng đắn, hợp với lẽ Trời .

Lúc đầu anh Nguyễn Đức Cần dự định sẽ tự mình lo toan tang lễ cho mẹ . Nhưng sau anh cũng đồng ý để cụ Tổng ông đứng ra lo liệu.

Sau khi chu tất xong lễ tang mẹ, anh Nguyễn Đức Cần nén nỗi đau thương , cùng các đồng chí lo toan việc nước.Sáng ngày 19 tháng 8 năm 1945 , cả Hà Nội ngập tràn khí thế cách mạng . Đồng bào rầm rộ kéo đến quảng trường Nhà hát lớn dự cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức.Bài hát “ Tiến quân ca ’’ được vang lên hai tiếng Việt Nam, trong rừng cờ đỏ sao vàng năm cánh ,giữa trời thu lộng gió.

Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình, đoàn người trùng điệp chia ra nhiều ngả đi chiếm phủ Khâm sai, tòa thị chính , trại lính bảo an..Anh Nguyễn Đức Cần lúc đó là Đại đội trưởng Đại đội Lam Sơn cũng có mặt trong ngày trọng đại của dân tộc và anh là một trong những người đầu tiên vượt qua hàng rào vào chiếm Bắc Bộ phủ.

Cuộc khởi nghĩa ngày 19 tháng 8 năm 1945 tại Hà Nội đã mau chóng giành được thắng lợi.Chính quyền đã về tay nhân dân lao động.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình , trước hàng chục vạn đồng bào thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập , tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới : Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời. Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng , tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do , độc lập ấy.
Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người dân độc lập tự do , một kỷ nguyên của lịch sử dân tộc đã được mở ra.

Dù vẫn đang tham gia hoạt động cách mạng , nhưng anh Nguyễn Đức Cần nói rằng : Nước nhà đã giành được độc lập , nhưng nhân dân còn chưa được hạnh phúc, muốn có hạnh phúc trước hết phải có sức khỏe, không ốm đau . Nay ta đi theo con đường khác , con đường mang lại sức khỏe cho nhân dân ’.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét