14 tháng 3, 2011

Thân thế và cuộc đời (18/18)

Con gái cụ: bà Nguyễn Thị Sinh và ông Nguyễn Văn Ảnh
(hiện tại đang chăm sóc ngôi mộ cụ ở Thanh Mai)

Ngày 21 tháng 6 năm 1983, sau một cơn giông nhỏ, cây trứng gà trong sân nhà cụ bị đổ nghiêng. Cụ nói “ Thế là hết, dạo này trong người tôi khác lắm ”.

Tối ngày 23 tháng 6, khi nằm nghỉ ở ngoài sân cụ hỏi ông Tiến, con rể lớn của cụ :
- Chú có thấy ngôi sao kia không ? ”.

Ông Tiến trả lời :
- Có , con thấy ngôi sao đó , mọi khi sáng lắm , sao mấy hôm nay trông không sáng mà lại có quầng bố ạ , thế là thế nào hả bố ? .

Cụ bảo :
- Biết vậy , nó sẽ mất , đấy rồi chú xem

Cụ hỏi:
- Hồi ở Việt Bắc, chú có đi nhiều đền chùa không ?

Ông Tiến trả lời:
-Con công tác ở miền núi 34 năm, tất cả các đền chùa của 13 tỉnh miền núi, con đều vào lễ và thắp hương, có những ngôi đền ở sâu trong rừng, không ai dám vào, mà con vẫn vào lễ, có khi dấu chân hổ còn mới , mà con chẳng sợ gì.

Cụ cười , rồi cụ nói :
- Anh này làm cách mạng mà cũng đi lễ, cũng lạ thật. Chú đi lễ thế là tốt.

Cụ hỏi :
- Chú đã nghiên cứu nhiều sách , chú thấy đạo nào là tốt ?

Ông Tiến trả lời :
-Con đã xem nhiều sách và nhiều quyển sử nói về các đạo, nhưng phần nhiều họ nói một đằng nhưng lại làm một nẻo. Sách thì con cho là hay, nhưng thực tế con lại thấy nó khác, mà ở nước ta không có môn đạo nào cả, mà toàn du nhập ở nước ngoài vào.

Cụ nói :
- Phải, ở nước ta thì không có đạo nào cả, toàn ở nước ngoài vào , như thế mà người đời tin. Đạo là đứng đắn, nhưng chủ yếu là cái tâm, cái đức của mình, tức là cái đầu mình không tham, không thù ghét ai, biết thương người.

Ông Tiến hỏi :
-Bố ơi, với pháp đạo của bố, tại sao lại không trị những người thất đức, mà cứ để nó làm nhục mãi thế ?

Cụ nói :
- Không được, khi tôi xuống núi, thầy tôi có dạy là không được thù ghét ai, nếu thù ghét người ta thì nguy hại lắm, lúc còn trẻ tôi có phi đạo một hai trường hợp, họ bị hại ghê gớm lắm, mà tôi đã phi đạo phạt họ, thì lại không cứu được họ. Cho nên mình làm việc công đức thì không được hại ai, mình phải chịu nhục thì mới tu được, mới cứu đời được.Đời tôi sống hơn 70 năm trời , chịu bao đau khổ, cay đắng đủ mọi thứ mà tôi vẫn chịu được để cứu đời.

Vào 14 giờ chiều ngày 24 tháng 6 năm 1983 , một trận động đất mạnh 6,7 độ Richter , trung tâm tại Tuần Giáo , làm rung chuyển cả thủ đô Hà Nội.

Mấy ngày sau , cụ nói với mọi người : “ Tôi sẽ đi xa , tôi sẽ về một nơi có cánh đồng rộng rãi , xung quanh có nhiều cây cối và không xa ( Hà Nội ) , ai vào cũng được ”.

Mọi người không biết đó là những lời dặn xa xôi , nên ai cũng xin được đi theo cụ .

Tối ngày 2 tháng 7 năm 1983 , Cụ nói với ông Tiến :
- Dạo này tôi yếu lắm , người khác đi nhiều , có lẽ Thầy sẽ đi xa .

Rồi cụ hỏi :
- Chú có thấy ngôi sao đâu không?.

Ông Tiến trả lời :
- Con có thấy , nhưng mờ hơn hôm qua , quầng lại sáng hơn, bố ạ .

Cụ nói :
-Tôi yếu rồi , đừng nói với ai làm cho người ta hoang mang…Tôi nếu qua ngày mùng 4 tháng 6 ( âm lịch ) thì tốt , nếu không thì đi thôi .

Ông Tiến khóc và hỏi cụ :
- Bố ơi thế thì con đau khổ quá, bây giờ làm thế nào hở bố ? Có cách gì không hở bố ?

Cụ nói :
- Đó là mệnh trời, không sao tránh khỏi. Phải bình tĩnh con ạ.

Ngày 3 tháng 7 năm 1983 , cụ bắt đầu mệt , gia đình và một số bệnh nhân họp bàn phân công nhau chăm sóc cụ .

Ngày 6 tháng 7 , những ngày hè năm đó nắng như đổ lửa , trời trong xanh không một gợn mây. Ban ngày thủ đô Hà Nội nhiều nơi bị cắt điện , cái nóng hầm hập làm ai cũng như cảm thấy đang sốt .Mỗi ngày hàng trăm bệnh nhân , những người chịu ơn cụ , nghe tin cụ bị mệt nặng đến thăm , ngôi nhà rộng rãi của cụ bỗng trở nên chật chội . Mọi người đứng bên hiên nhà cụ , lặng lẽ hỏi thăm nhau , trên nét mặt ai cũng thấy sự lo lắng cho sức khỏe của cụ .Ban đêm những người ở lại nằm la liệt trên sân , trong vườn nhà cụ . Cảnh gối đất nằm sương trông thật cảm động . Ai cũng mong ngóng cho cụ sớm khỏe trở lại .

Sáng 11 tháng 7 năm 1983 , cụ bỗng trở dậy như lúc bình thường .Mọi người có mặt lúc đó rất ngạc nhiên và mừng rỡ . Cụ ký hai tờ đạo cho hai gia đình , Cụ nói : Việc tôi giúp cho mọi người đến đây là xong, mọi việc từ nay sẽ khác .

Sáng ngày 13 tháng 7 năm 1983 ( mùng 4 tháng 6 năm Quý Hợi ), cụ khó thở . Đến 19 giờ 4 phút cụ lịm đi một lát , sau lại tỉnh , tim mạch bình thường . Đến 23 giờ 30 tim mạch cụ yếu hẳn và đến 23 giờ 58 phút , Cụ đã trở về cõi trường sinh.

Thật đúng là :

Việc đời cứu giúp đã xong
Gối mây , nhẹ bước thong dong cõi trời

Sáng ngày 16 tháng 7 năm 1983 tại số nhà 86 làng Đại Yên - Hà Nội , gia đình cùng đông đảo bệnh nhân đã trang trọng tổ chức lễ tang cụ Nguyễn Đức Cần.

Buổi sáng hôm đó, trời bổng dưng chuyển mát, mưa bụi nhè nhẹ rơi, hơn một trăm vòng hoa để trong sân nhà, sau mấy ngày nắng hè đã héo rũ, bỗng đột nhiên tươi trở lại.

Trong giờ phút thiên liêng này, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đọc lời điếu nói về thân thế và sự nghiệp của cụ và nhấn mạnh: Cụ đã cống hiến suốt đời mình cho sức khỏe và hạnh phúc của nhiều người.

Nhà giáo Vũ Văn Ngọc thay mặt những người chịu ơn ca ngợi công lao trời bể của cụ , bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn của những người bệnh , trước sự ra đi của cụ .

Kính thưa hương hồn cụ Nguyễn Đức Cần.

Thưa các bạn.

Giờ phút này chúng ta tề tựu về đây, kính cẩn nghiêng mình trước thi hài của một người mà tất cả chúng ta tôn kính - cụ Nguyễn Đức Cần, người thầy chữa bệnh cho chúng ta và gia đình ta... Người mất đi để lại trong lòng chúng ta một khoảng trống lớn lao, sự tiếc thương vô hạn, một nỗi đau tê tái, một mất mát không thể gì bù đắp được...

Thầy ta:

Sống chữa bệnh cứu đời, vì nước, vì dân phục vụ
Chết nêu gương trong sáng, vinh hoa phú quý không màng.

Hàng ngàn người bệnh đã chịu tang cụ, chít khăn tang trắng trên đầu đến dự lễ truy điệu và đưa cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng tại cánh đồng làng Thanh Mai , huyện Thanh Oai – Hà Tây ( cũ ).

Từ ngày đó đến nay , thấm thoát đã hơn 26 năm trôi qua, nơi cụ an nghỉ đã trở thành một khuôn viên với những hàng cau tươi tốt. Cụ về đây an nghỉ giữa đồng quê thanh bình. Những người chịu ơn cụ , những người biết đến danh cụ thường vẫn về nơi đây , thắp những nén hương thơm ngát để tưởng nhớ, để tri ân cụ - một con người đã suốt đời vì nước vì dân phục vụ.

Hết phần Thân thế và cuộc đời

Hà Nội - mùa thu năm 2009


Bàn thờ cụ Nguyễn Đức Cần đặt tại nhà cụ (86 Làng Đại Yên Hà Nội)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét