14 tháng 3, 2011

Thân thế và cuộc đời (12/18)

Sau khi sửa sai, gia đình cụ được xuống thành phần trung nông , cụ đi trại mất bẩy tháng thì được về . Nhưng ngay sau đó là phong trào bài trừ mê tín. Ở nhiều nơi, các đình chùa biến thành kho của Hợp tác xã, thậm chí có nơi các câu đối thì bị mang ra làm cầu ao, ngay cả việc thắp hương thờ cúng cũng bị coi là mê tín . Cụ cũng buộc phải dỡ điện thờ mẫu trong sân nhà . Cụ mang bát hương công đồng lên đặt tại Đền Và , Sơn Tây.

Hôm đó lại là một ngày hội , lúc đầu những người trông coi ngôi đền không đồng ý , cụ nói : Thôi được , tùy các ông thôi . Nhưng khi cụ bước ra đến sân đền , thì một cơn giông bỗng kéo đến , mây đen phủ kín bầu trời và gió mạnh từng cơn làm rung chuyển ngôi đền, trời đất như muốn nổi giận . Biết đó là một điềm trời , bảy ông từ trông đền, mặc áo thụng xanh , sợ hãi vội vã chạy ra và mời cụ trở lại . Khi bát hương cụ đặt tại chính điện đã yên vị , thì trời lại quang minh sáng tỏ và lạ thay bao nhiêu chim rừng từ đâu kéo đến đậu đầy trên những ngọn cây trong khu đền và líu lô hót mừng .

Rồi cụ trở lại Đại Yên , nhưng chỉ ít ngày sau , cụ bỏ nhà ra đi với bao điều trăn trở, băn khoăn : Sao làm việc phúc giúp đời mà lại gặp nhiều cay đắng đến thế ? Có nên tiếp tục làm việc chữa bệnh giúp đời nữa hay không ?.Hay là đến nơi nào đó, thâm sơn cùng cốc, xa lánh cõi đời.

Nhưng cũng phải nói rằng, rất nhiều người bệnh, những người chịu ơn đã không bỏ cụ trong những ngày vô cùng khó khăn đó . Họ đã đi theo cụ trong từng bước chân, để xin cụ tiếp tục trở về chữa bệnh cứu đời. Những ân tình sâu nặng đó có lẽ cũng làm nguôi đi bao đau đớn trong lòng cụ và làm cụ cảm động .

Sau ba tháng, cụ trở lại Đại Yên .Lúc này đang có phong trào Hợp Tác xã, cụ tham gia vào làm xã viên . Hàng ngày cụ dậy từ 5 giờ sáng đi làm vườn tưới rau , lúc cuốc đất, lúc kéo xe bò, thậm chí ra tận bờ sông để vác nứa , cụ gánh nước rất khỏe , một lúc bốn thùng gấp đôi người khác, khi cuốc vườn vào chỗ đất rắn , bọn thanh niên toàn nhờ cụ làm giúp , mà cụ toàn nhịn đói, không ăn sáng bao giờ cả.

Bà Tuyên, con gái cụ kể lại : Hồi thầy tôi làm xã viên , ông cụ đi làm từ sớm tinh mơ cho đến chiều tối , công việc làm vườn vất vả lắm . Tôi nhớ những lần hai bố con phải đi lấy phân bắc , thầy tôi kéo xe bò đằng trước áo ướt đẫm mồ hôi , tôi cặm cụi đẩy xe đằng sau , mùi phân gio hôi hám lắm , thế mà ông cụ chẳng nề hà gì , tôi thấy thương ông cụ quá ....Mỗi khi bình bầu xã viên , cụ luôn luôn được bầu là lao động xuất sắc , sau giờ làm việc cụ lại trở về nhà , tiếp tục chữa bệnh cho mọi người.

Hiện nay trong nhà cụ vẫn còn giữ được bức chân dung ngày ấy .Cụ mặc bộ quần áo nâu, vai vác cuốc như một lão nông chi điền.

Năm 1958 , cụ tổ chức đám cưới cho bà Chuyên ( Tuyên) , người con gái lớn. Đến làm rể cụ là ông Nguyễn Văn Tiến một cán bộ đã tham gia cách mạng , công tác tại Ban kinh tài trung ương . Sau này hai ông bà sinh được ba người con gái .

Năm 1967, cụ gả chồng cho người con gái thứ hai ( bà Nguyễn Thị Sinh ) . Người con rể thứ hai của cụ là một chiến sỹ quân đội, ông Nguyễn Văn Ảnh ở xóm Bến làng Thanh Mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây ( cũ ).Sau khi lấy nhau đã bốn năm mà vẫn chưa có con , làm hai vợ chồng ông Ảnh lo lắng . Cụ dạy, có sức khỏe thì hãy xây dựng kinh tế cho tốt đi đã . Đến năm thứ sáu, hai vợ chồng ông Ảnh đã có nhà cửa vườn ao đàng hoàng và sau đó họ sinh được 4 người con trai khỏe mạnh .

Từ những năm 1970 , khi cụ đã hết tuổi lao động , cụ xin nghỉ không tham gia lao động trong Hợp tác xã nữa , lúc này cụ dành nhiều thời gian để chữa bệnh giúp nhân dân , danh tiếng của cụ đã lan xa đến nhiều nơi , hàng ngày có đến hàng trăm người bệnh đến xin cụ chữa , thậm chí có những ngày do quá đông khách , ban đêm người bệnh trải chiếu nằm ngoài cổng ngõ xóm để chờ xin cụ chữa bệnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét